Trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro (Eurozone), Tây Ban Nha có thể cũng cần đến sự cứu trợ.
Trong tuần trước, việc các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng trước trái phiếu của Tây Ban Nha đã khiến lãi suất trái phiếu của nước này tăng lên các mức cao nhất trong gần 4 tháng và đẩy các thị trường chứng khoán lao dốc. Trên thực tế, sức ép đối với Tây Ban Nha trên các thị trường trái phiếu bắt đầu tăng trong năm 2011, khi thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng mạnh.
Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái, có những yếu tố đã giúp giảm sức ép này, trong đó đặc biệt phải kể đến sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). ECB đã bơm hơn 1 nghìn tỷ euro (1,3 nghìn tỷ USD) các khoản vay lãi suất thấp vào hệ thống ngân hàng. Nguồn tiền này đã khuyến khích các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ của các nước đang gặp khó khăn về tài chính như Tây Ban Nha, giúp lãi suất trái phiếu của nước này giảm. Mặc dù vậy, tác dụng của các khoản vay đó đã giảm dần và Tây Ban Nha đang đánh mất dần niềm tin của các thị trường.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ của ông Mariano Rajoy đứng trước hai nhiệm vụ là vực dậy nền kinh tế đang có tỷ lệ thất nghiệp ở mức 23% bằng việc tạo thêm việc làm, trong khi nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách thông qua các biện pháp khắc khổ để làm hài lòng Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nhà đầu tư quốc tế. Để thực hiện những nhiệm vụ này, Chính phủ Tây Ban Nha đã tiến hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ cũng như những cải cách đối với thị trường lao động và lĩnh vực ngân hàng.
Chính phủ nước này đang hối thúc các ngân hàng tăng cường năng lực tài chính bằng việc sáp nhập. Bên cạnh đó, các quy định mới cũng được ban hành, theo đó yêu cầu các ngân hàng dành thêm 50 tỷ euro (65,7 tỷ USD) cho việc dự phòng vào cuối năm 2012 để lấp vào số nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản ước tính tới 175 tỷ euro (230 tỷ USD). Chính phủ sẽ cung cấp cho các ngân hàng các khoản vay từ quỹ cứu trợ hiện nay, song có lo ngại rằng nếu thị trường bất động sản gây thiệt hại quá lớn cho hệ thống tài chính, chính phủ sẽ không đủ khả năng cứu lĩnh vực này.
Hiện tỷ lệ nợ trên GDP của Tây Ban Nha vẫn khá thấp so với các nước châu Âu khác. Vào cuối năm ngoái, nợ của nước này ở mức 68,5% GDP, so với mức trung bình 90% GDP của khu vực và mức 160% GDP của Hy Lạp. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ của Tây Ban Nha có thể tăng lên 80% GDP vào cuối năm nay, chủ yếu do mức nợ đang tăng lên của 17 khu vực bán tự trị của nước này. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha vọt lên mức 8,5% GDP trong năm ngoái, thay vì 6% như mục tiêu đề ra.
Sau khi công bố ngân sách khắc khổ vào cuối tháng 3, Tây Ban Nha mới thông báo về đợt cắt giảm chi tiêu mới, nhằm hạ mức thâm hụt xuống 5,3% GDP. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại nếu tiến hành các biện pháp khắc khổ hơn nữa, tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha sẽ giảm mạnh, khiến nước này không đạt được mục tiêu đề ra.
Khả năng tài chính của Tây Ban Nha sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc vay mượn tiền từ các nhà đầu tư với mức lãi suất chấp nhận được. Để giúp Tây Ban Nha, các nước thành viên Eurozone có thể cam kết đền bù cho các nhà đầu tư trong đợt lỗ đầu tiên đối với số trái phiếu của nước này. Tây Ban Nha có thể sẽ yêu cầu các khoản vay từ quỹ cứu trợ của khu vực khi phải cứu trợ các ngân hàng.
Tuy nhiên, với khả năng hạn chế của quỹ cứu trợ, nhiều nhà phân tích cho rằng ECB là thiết chế duy nhất có khả năng cứu các nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha. ECB có thể mua hàng trăm tỷ euro trái phiếu của Tây Ban Nha từ các ngân hàng và các thị trường thứ cấp, điều sẽ giúp hạ mức lãi suất mà nước này phải trả. Tuy nhiên, ECB cho đến nay vẫn cho rằng sự can thiệp quy mô lớn như vậy sẽ là vi phạm hiệp ước của EU.
Trong khi đó, Eurozone đã tăng quy mô tường lửa của khu vực lên 800 tỷ euro (1,05 nghìn tỷ USD) để hỗ trợ các nước thành viên không thể huy động tiền từ thị trường. Tuy nhiên, nền kinh tế có quy mô 1,1 nghìn tỷ euro (1,45 nghìn tỷ USD) của Tây Ban Nha lớn gấp đôi tổng quy mô nền kinh tế của ba nạn nhân trước đó là Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen. Do đó, quy mô hiện nay của quỹ cứu trợ khu vực được cho là không đủ để giải vây cho những nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha và Italia.
Trên tất cả, mối lo ngại hiện nay là việc các nhà đầu tư không sẵn lòng cho Tây Ban Nha vay tiền nếu không tin tưởng vào tình hình tài chính của nước này. Một số nhà phân tích cảnh báo việc thừa nhận Tây Ban Nha đang cần sự giúp đỡ có thể sớm đẩy nước này đến chỗ phải nhận cứu trợ. Mọi sự chú ý đang dồn vào đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 12 và 18 tháng của Tây Ban Nha vào ngày 17/4 và trái phiếu kỳ hạn 10 năm vào ngày 19/4.
TTXVN/ Tin Tức