Biểu tình tại Tây Ban Nha phản đối cắt giảm chi tiêu

Ngày 29/4, hàng chục nghìn người dân Tây Ban Nha đã đồng loạt xuống đường biểu tình để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ y tế và giáo dục mà chính phủ nước này công bố hồi đầu tháng.


Những người biểu tình tham gia tuần hành tại 55 thành phố trên khắp cả nước, đã giương cao các biểu ngữ như "Cắt giảm phúc lợi y tế là tội ác", "Người dân châu Âu, hãy vùng lên!"... Cảnh sát cho biết riêng tại thủ đô Mađrít, có tới 40.000 người tham gia biểu tình bất chấp thời tiết mưa gió, trong khi tại thành phố Barcelona, con số này là 700 người. Tuy nhiên, giới nghiệp đoàn lại đưa ra con số tới 4.000 người biểu tình tại Barcelona.


Trước đó, ngày 9/4, Chính phủ Tây Ban Nha công bố kế hoạch cắt giảm 10 tỷ euro (tương đương 13 tỷ USD) ngân sách dành cho y tế và giáo dục như một phần trong nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - mức giới hạn theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) - trong năm 2013. Ngoại trừ trợ cấp hưu trí, chi phí cho hàng loạt lĩnh vực quan trọng và thiết yếu trong đời sống chính trị, kinh tế cũng như xã hội Tây Ban Nha như đối ngoại, viện trợ cho nước ngoài, giáo dục, chăm sóc y tế công cộng, tạo việc làm, xây dựng hạ tầng, nghiên cứu quân sự, v.v... đều bị cắt giảm từ 21% đến hơn 38%.


Biểu tình tại thành phố Mađrít, Tây Ban Nha để phản đối việc cải cách chính sách lao động, ngày 29/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới được công bố trong bối cảnh gia tăng những quan ngại của các nhà đầu tư về khả năng của chính phủ trong việc kiểm soát chi tiêu của 17 khu tự trị của nước này, dẫn đến lãi suất trái phiếu chính phủ tăng cao. Tây Ban Nha đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách năm nay xuống còn 5,3% GDP và 3% GDP vào năm 2013, so với mức 8,5% GDP trong năm 2011 do tác động của tình trạng suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao.


Biểu tình và bãi công liên tiếp diễn ra ở Tây Ban Nha trong những tháng gần đây. Cuối tháng Ba vừa qua, các nghiệp đoàn nước này đã phát động một cuộc tổng bãi công kéo dài 24 giờ nhằm phản đối các kế hoạch cải cách thị trường lao động của chính phủ. Cuộc bãi công diễn ra đúng thời điểm tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, kinh tế suy thoái và Chính phủ Tây Ban Nha phải tăng cường cắt giảm chi tiêu công.

Tuần trước, Tây Ban Nha đã bị hạ 2 bậc tín nhiệm, khiến cho thế giới lo ngại nguy cơ đình đốn tại châu Âu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.


TTXVN/Tin tức



Tây Ban Nha- nạn nhân mới của khủng hoảng nợ công
Tây Ban Nha- nạn nhân mới của khủng hoảng nợ công

Trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro (Eurozone), Tây Ban Nha có thể cũng cần đến sự cứu trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN