Trước đó, Sri Lanka đã chứng kiến mức giảm phát là 0,8% vào tháng 10 và 0,5% vào tháng 9.
Cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có vào năm 2022 đã gây ra nhiều tháng thiếu hụt hàng tiêu dùng, khiến lạm phát đạt đỉnh gần 70% trong năm đó. Kể từ đó, khoản vay cứu trợ 2,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc tăng thuế và các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" khác đã góp phần từng bước phục hồi nền kinh tế Sri Lanka.
Ngân hàng trung ương Sri Lanka dự báo sau vài tháng nữa, lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu là 5%.
Mới đây nhất, ngày 23/11, IMF thông báo sẽ giải ngân khoảng 333 triệu USD cho Sri Lanka để hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tài chính. Đây là đợt giải ngân thứ 3, nâng tổng số tiền tài trợ lên khoảng 1,3 tỷ USD. IMF cho biết các dấu hiệu phục hồi kinh tế đang xuất hiện, song cảnh báo rằng nền kinh tế Nam Á này vẫn còn dễ bị tổn thương. Tổng thống Anura Kumara Dissanayake, người mới đắc cử hồi tháng 9, đã cam kết duy trì chương trình cứu trợ của IMF do người tiền nhiệm của ông đàm phán, bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu của nhà nước.