Ngày 15/11 vừa qua, Công ty SpaceX đã đệ đơn lên Ủy ban Thông tin Liên bang Mỹ (FCC) xin cấp phép phóng 4.425 vệ tinh cung cấp dịch vụ internet.
Con số này vượt xa toàn bộ vệ tinh đang có trên quỹ đạo Trái Đất hiện nay, bao gồm cả số vệ tinh không còn hoạt động và trở thành rác vũ trụ.
Tuy nhiên, trong một chia sẻ được tờ Business Insider đăng tải hôm 22/11, Elon Musk, người sáng lập SpaceX, cho rằng Trung Quốc có thể là trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch nêu trên vì Bắc Kinh không thích nó.
Theo Elon Musk, bất cứ nước nào cũng có thể nói hệ thống vệ tinh internet của SpaceX là phi pháp, vì thế, SpaceX cần phải đàm phán với rất cả các nước để được cho phép cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao.
Trong trường hợp SpaceX bất chấp phản đối của Trung Quốc, một mực làm theo ý của mình, chuyện gì sẽ xảy ra?
Elon Musk cho rằng “nếu Trung Quốc không hài lòng, họ có thể bắn hạ toàn bộ vệ tinh của chúng tôi”, “Trung Quốc có thể làm điều này, cho nên, chúng tôi có thể không phát sóng internet ở đó (Trung Quốc)”.
Mô phỏng tên lửa Trung Quốc bắn hạ vệ tinh FY-1C năm 2007. Ảnh: Internet |
Theo Business Insider, Elon Musk có lý do để e ngại Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bởi vào tháng 1/2007, PLA đã sử dụng tên lửa di động, đa tầng bắn hạ một vệ tinh thời tiết cũ có tên Fengyun 1C (FY-1C).
Tiếp đó vào ngày 13/5/2013, trang tin The Washington Free Beacon dẫn lời giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc lại thử nghiệm thêm một tên lửa diệt vệ tinh mới, cũng từ Trung tâm Vũ trụ Tây Xương thuộc tỉnh Tứ Xuyên.
Với những vụ thử thành công này, về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể bắn rơi các vệ tinh tình báo hoặc các vệ tinh hoạt động trên vũ trụ của các nước khác. Song, hầu hết các phân tích xung quanh vấn đề trên đều tập trung vào mối đe dọa với Mỹ.
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc không thử nghiệm khả năng tiêu diệt vệ tinh, năng lực mà nước này vẫn đang tiếp tục phát triển, hệ thống vệ tinh internet của SpaceX vẫn phải đối mặt với sự đe dọa thường trực của rác vũ trụ.
Space.com từng dẫn ước tính của chuyên gia cho biết trong vũ trụ hiện có 5.500 tấn rác với 370.000 mảnh vỡ, bao gồm tên lửa không còn sử dụng, vệ tinh chết và các mảnh vỡ phát sinh từ các vụ thử nghiệm vũ khí.
Chúng không chỉ có thể dẫn đến nguy cơ va chạm dây chuyền, đe dọa sinh mạng phi hành gia trên tàu vũ trụ hoặc tại Trạm Không gian Quốc tế (ISS), mà còn gây nguy hiểm cho các vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo.