Các chuyên gia đã cảnh báo đại dịch có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng sức khoẻ tâm thần. Thất nghiệp lan tràn, cô lập xã hội và tâm lý lo lắng đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên toàn cầu.
Tại Nhật Bản, số liệu thống kê của chính phủ cho thấy chỉ trong tháng 10 vừa qua nạn tự tử đã cướp đi nhiều sinh mạng hơn so với đại dịch COVID-19 trong cả năm 2020 cho đến nay. Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số vụ tự tử hàng tháng ở nước này đã tăng lên 2.087 người.
“Chúng tôi thậm chí không áp dụng phong toả và tác động của COVID là rất nhỏ so với các nước khác… nhưng chúng tôi vẫn chứng kiến sự gia tăng lớn các vụ tự tử”, Phó giáo sư Michiko Ueda tại Đại học Waseda ở Tokyo, một chuyên gia về tự tử, cho biết.
Phụ nữ - nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Nhật Bản từ lâu đã phải vật lộn với một trong những tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Năm 2016, Nhật Bản có tỷ lệ tử vong do tự tử là 18,5/100.000 người, chỉ đứng sau Hàn Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương và gần gấp ba lần mức trung bình toàn cầu hàng năm là 10,6 / 100.000 người.
Mặc dù các nguyên nhân gây ra tỉ lệ tự tử cao ở Nhật Bản khá phức tạp, các yếu tố như giờ làm việc kéo dài, áp lực trường học, sự cô lập xã hội và kỳ thị văn hoá xung quanh vấn đề sức khoẻ tâm thần được cho là góp phần.
Tuy nhiên, trong vòng 10 năm tính đến năm 2019, số vụ tự tử đã giảm ở Nhật Bản, xuống khoảng 20.000 người vào năm ngoái - con số thấp nhất kể từ khi Bộ Y tế nước này bắt đầu lưu trữ hồ sơ vào năm 1978.
Đại dịch COVID-19 dường như đã đảo ngược xu hướng trên và tình trạng gia tăng các vụ tự tử đã diễn ra mạnh hơn ở phụ nữ. Trong tháng 10, số vụ tự tử trong nữ giới ở Nhật đã tăng gần 83% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số vụ tự tử ở nam chỉ tăng gần 22% trong cùng thời kỳ.
Có một số lý do tiềm tàng cho điều này. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn hơn trong số những người làm việc bán thời gian ở các ngành khách sạn, dịch vụ ăn uống, bán lẻ - nơi mà tình trạng sa thải nhân viên ngày càng trầm trọng.
Eriko Kobayashi, một phụ nữ 43 tuổi sống ở Tokyo, từng tự tử bất thành trước đây, cho biết nhiều người bạn của cô đã bị cho thôi việc. “Nhật Bản đã bỏ qua phụ nữ. Đây là một xã hội nơi những người yếu nhất bị bỏ qua đầu tiên mỗi khi có chuyện tồi tệ xảy đến’, Kobayashi nói.
Trong một nghiên cứu toàn cầu tiến hành với trên 10.000 người bởi tổ chức quốc tế phi lợi nhuận CARE, 27% phụ nữ báo cáo những thách thức gia tăng về sức khoẻ tâm thần trong đại dịch, so với 10% ở nam giới. Theo nghiên cứu, phụ nữ phải đối mặt với gánh nặng không được trả lương. Đối với những người giữ được việc, thì họ vừa phải đảm bảo công việc bình thường, lại phải làm tròn trách nhiệm chăm sóc con cái gia đình.
Áp lực lên trẻ em
Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất nơi tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người trẻ tuổi từ 15-39. Và số ca tự tử trong những người dưới 20 tuổi đang tăng lên ngay từ trước đại dịch.
Khi các hạn chế phòng dịch ngăn học sinh tới trường, các em đang đối mặt với cuộc sống gia đình căng thẳng và áp lực không hoàn thành được việc nhà. Một số trẻ em mới 5 tuổi đã gọi điện chia sẻ tại đường dây nóng tâm lý thời đại dịch ở Tokyo.
Một nghiên cứu trên Internet với trên 8.700 vị cha mẹ và trẻ em phát hiện 75% học sinh Nhật Bản có dấu hiệu stress do đại dịch.
Người nổi tiếng tự tử
Những tháng gần đây, liên tiếp nhiều người nổi tiếng tại Nhật Bản tự cướp đi mạng sống của chính mình.
Hana Kimura, một nữ đô vật chuyên nghiệp 22 tuổi và là ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế "Terrace House", đã chết do tự tử vào mùa Hè năm nay, sau khi bị người dùng mạng xã hội ném đá bằng những tin nhắn đầy thù hận. Mẹ của Hana, Kyoko Kimura, nói rằng bà ý thức được rằng việc báo chí đưa tin về cái chết của con gái bà có thể ảnh hưởng đến những người khác đang muốn tự tử.
Kyoko Kimura cho biết những hạn chế phòng dịch COVID-19 đã ngăn cản con gái bà, Hana, tham gia đấu vật. Trong thời gian giãn cách xã hội, Hana bị căng thẳng bởi những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội và sau đó đã tự kết liễu đời mình.
"Khi Hana chết, tôi đã nhiều lần yêu cầu cảnh sát không tiết lộ bất kỳ tình huống cụ thể nào về cái chết của con, nhưng tôi vẫn thấy thông tin lan ra mà chỉ có cảnh sát biết", bà Kimura nói.
Bà Kimura cho biết đại dịch khiến con gái bà dành nhiều thời gian hơn để đọc các tin nhắn độc hại trên mạng xã hội. Kimura hiện đang thành lập một tổ chức phi chính phủ có tên "Nhớ Hana" để nâng cao nhận thức về nạn bắt nạt trên mạng.
Mối nguy từ làn sóng thứ ba
Trong những tuần gần đây, Nhật Bản đã báo cáo số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày cao kỷ lục, khi các bác sĩ cảnh báo về làn sóng dịch thứ ba trong những tháng mùa Đông. Các chuyên gia lo ngại tỷ lệ tự tử cao sẽ trở nên tồi tệ hơn khi suy thoái kinh tế tiếp tục.
"Chúng tôi thậm chí còn chưa trải qua những hậu quả kinh tế đầy đủ của đại dịch", Phó giáo Ueda nói, "Đại dịch có thể tồi tệ hơn, có thể lại có phong toả; nếu điều đó xảy ra thì tác động có thể rất lớn”.
So với một số quốc gia khác, các hạn chế chống COVID của Nhật Bản tương đối nới lỏng. Chẳng hạn, quốc gia này đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng chưa bao giờ áp đặt một lệnh cấm nghiêm ngặt. Nhưng khi các trường hợp lây nhiễm gia tăng, sẽ cần phải có những hạn chế khắt khe hơn, gây ra những lo ngại về ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người dân.