Người di cư tới Palermo, Sicily, Italy ngày 13/10 sau khi được giải cứu trên biển. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 31/10 của cơ quan trên, tính từ đầu năm cho đến nay, có khoảng 150.000 người di cư vượt Địa Trung Hải, nhưng số người đặt chân đến Italy lại giảm 30% so với năm ngoái và kể từ tháng 7 vừa qua, số người di cư đến nước này giảm 69%.
Việc Italy giảm tải được lượng người di cư đổ đến là nhờ đến thỏa thuận giữa nước này với chính quyền và các thủ lĩnh bộ lạc ở Libya hồi cuối tháng 6 vừa qua nhằm ngăn chặn các thuyền chở người di cư; và việc nhiều người xin tị nạn đến châu Âu bằng con đường khác. Trái lại, số người di cư đến Tây Ban Nha lại tăng gấp 3 lần so với một năm trước đây với hơn 14.000 người.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người di cư tại Italy vẫn chưa chấm dứt mặc dù chính quyền Rome đã tìm được giải pháp giảm người di cư đến từ Libya. Theo Bộ Nội vụ nước này, số người di cư đến từ Tunisia lại tăng gấp 3 so với năm ngoái, trong khi những người đến từ Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ tăng lần lượt gấp đôi và 63%. Các trung tâm tiếp nhận người tị nạn của nước này cũng lâm vào tình trạng quá tải với khoảng 123.000 người trong năm 2016, tăng mạnh so với 84.000 người của năm trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, hơn 100.000 người đã nộp đơn xin tị nạn tại Italy.
Trong một diễn biến khác, ngày 31/10, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Libya đã chặn giữ hai thuyền cao su chở gần 300 người di cư đến từ các nước châu Phi ở khu vực Nam sa mạc Sahara đang trên đường vượt biển sang châu Âu. Hai thuyền này đang ở ngoài khơi gần thành phố Zliten của Libya thì bị một tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Libya phát hiện và ngăn chặn. Những người di cư sau đó đã bị trả về cảng ở thủ đô Tripoli.
Trước sức ép của các nước châu Âu và Italy, giới chức Libya đã chủ động và linh hoạt hơn trong việc ngăn chặn dòng người vượt biên. Theo thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), tính đến cuối tháng 10 vừa qua, có gần 19.000 người di cư bị bắt giữ, và hơn 110.000 người di cư đến Italy, chủ yếu là người Libya.