Theo kết quả khảo sát do công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research tiến hành, đã có 510 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo trợ và chăm sóc người cao tuổi phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động trong năm 2023. Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu được thực hiện năm 2010. Cũng theo thống kê, trong năm ngoái có 122 cơ sở bị phá sản, giảm 14,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao thứ hai tính từ năm 2010. Trong số này, có 67 cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc nhiều cơ sở dưỡng lão tại Nhật Bản bị phá sản là do cạnh tranh gay gắt với các cơ sở quy mô lớn, cộng với tình trạng thiếu lao động, dẫn đến việc sụt giảm cả khách hàng và doanh số. Báo cáo của công ty Tokyo Shoko Research lưu ý Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng làm việc trong ngành chăm sóc người cao tuổi do dân số già hóa và cạnh tranh nhân lực gay gắt với các ngành khác, đặc biệt là ngành kinh doanh ăn uống. Báo cáo nhận định những khó khăn hiện nay sẽ ngày càng tăng lên và gây ra những trở ngại đáng kể.
Theo kết quả khảo sát, mỗi năm có gần 600 cơ sở chăm sóc sức khỏe, chủ yếu là các công ty quy mô nhỏ, đối mặt với khó khăn tài chính, phải ngừng hoạt động. Việc ngày càng có nhiều quỹ và công ty bảo hiểm được dự báo tham gia thị trường chăm sóc sức khỏe càng khiến số lượng các công ty quy mô vừa và nhỏ bị phá sản tăng mạnh trong năm nay. Dự báo, ngành chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 1,59% trong năm tài chính 2024.