Dân số Trung Quốc đang già đi, định kiến về nhà dưỡng lão dần thay đổi

Nhiều gia đình đánh giá việc đưa bố mẹ, ông bà vào viện dưỡng lão là dấu hiệu cho thấy các thành viên trong nhà không thực hiện nghĩa vụ báo hiếu như quan niệm truyền thống.

Chú thích ảnh
Người cao tuổi ngồi tán gẫu dưới ánh nắng Mặt Trời tại viện dưỡng lão Ardor Gardens. Ảnh: Reuters

Các nhà đầu tư đang hy vọng những người cao tuổi Trung Quốc sẽ sớm thay đổi định kiến về việc sống trong viện dưỡng lão, nhất là khi quốc gia đông dân nhất thế giới này đang chứng kiến tình trạng già hóa dân số cũng như những gia đình nhiều thế hệ gặp khó khăn khi chăm sóc ông bà, bố mẹ.

Ai sẽ phải chăm sóc những người cao tuổi Trung Quốc, nơi mà tiền lương hưu trung bình khá ít, là một trong những bài toán nan giải của các nhà hoạch định chính sách.

Theo hãng tin Reuters, những viện dưỡng lão đắt đỏ nằm ngoài khả năng chi trả của phần lớn người cao tuổi Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn đánh giá việc đưa bố mẹ, ông bà viện dưỡng lão là một dấu hiệu cho thấy các thành viên trong nhà không thực hiện nghĩa vụ báo hiếu như quan niệm truyền thống.

Tuy nhiên, các công ty đầu tư vào lĩnh vực này tại Trung Quốc đang hy vọng những định kiến đó sẽ sớm bị xóa bỏ - ít nhất là trong bộ phận người cao tuổi kiếm được nhiều tiền trước khi họ về hưu.

Các nhà đầu tư cho biết chính sách một con của Trung Quốc thực hiện từ năm 1980 đến 2015 đã khiến cho việc chăm sóc người cao tuổi trong các gia đình gặp khó khăn và buộc họ phải tìm đến các dịch vụ chăm sóc người già chuyên nghiệp.

“Một đứa con chăm sóc 2 cha mẹ và 4 ông bà. Việc chăm sóc nhiều người như vậy trở nên khó khăn hơn”, Louis Lim - Giám đốc điều hành của công ty Keppel Land (Singapore) đang xây dựng viện dưỡng lão 400 giường ở Nam Kinh dự kiến ​​khai trương trong năm nay - cho biết.

Irwin Liu, trưởng bộ phận tư vấn miền Đông Trung Quốc tại Colliers, cho biết tổng đầu tư vào thị trường nhà ở dành cho người cao tuổi của Trung Quốc - bao gồm nhà ở, dịch vụ chăm sóc và thiết bị - từ các tổ chức công và tư nhân là khoảng 1.000 tỷ USD trong năm 2022, tăng từ 200 tỷ USD một thập kỷ trước. Ông cho biết con số đó có thể tăng gấp ba lần lên 3.000 tỷ USD vào năm 2035.

"Nhiều nhà đầu tư và tổ chức tin rằng thời điểm bùng nổ thực sự của thị trường viện dưỡng lão Trung Quốc sẽ rơi vào khoảng năm 2025 - 2028, vì vậy họ đang đẩy nhanh đầu tư vào lĩnh vực này”, cố vấn Liu nói.

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ chi 35 tỷ nhân dân tệ (5,1 tỷ USD) để xây dựng các cơ sở hưu trí, như một phần trong kế hoạch cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa, trong tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi phát triển các dịch vụ chăm sóc người già và hệ thống lương hưu.

Hiện khoảng 90% người cao tuổi Trung Quốc vẫn được chăm sóc tại nhà trong khi chỉ khoảng 7% dựa vào sự hỗ trợ của cộng đồng trong việc chăm sóc ban ngày và 3% sống trong các viện dưỡng lão. Chính phủ gọi tỷ lệ này là “9073”.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc dự báo số người từ 60 tuổi trở lên ở nước này sẽ tăng từ mức 280 triệu người lên 400 triệu người vào năm 2035. Các nhà phân tích cho biết ngay cả khi tỷ lệ 9073 không thay đổi, xã hội sẽ cần 40 triệu giường chăm sóc cho người già trong các cơ sở cộng đồng và viện dưỡng lão.

Ding Hui, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực Trung Quốc thuộc công ty bất động sản Australia Lendlease, dự đoán nhu cầu về viện dưỡng lão sẽ tăng mạnh trong vòng 5 đến 10 năm tới. “Suy nghĩ của nhiều người đang thay đổi. Ngày càng có nhiều người sẵn sàng lựa chọn cuộc sống nghỉ hưu độc lập và năng động hơn”, ông Ding nhận định.

Yu (70) tuổi và vợ đã chuyển đến Ardor Gardens – một khu chăm sóc người già trị giá 1,7 tỷ nhân dân tệ rộng 85.000 m2 của Lendlease. Cơ sở này đã khai trương 17 tháng trước ở ngoại ô Thượng Hải. Họ có một con gái làm việc trong lĩnh vực tiếp thị sinh sống gần đó.

Yu cho biết ông đã phớt lờ những định kiến ​​xung quanh quyết định của mình. “Từ rất lâu tôi đã muốn sống trong một cộng đồng hưu trí như này. Con gái tôi rất hạnh phúc vì đã tìm được nơi này. Con bé có thể đến thăm chúng tôi hàng ngày. Những cộng đồng như này rất cần thiết tại Trung Quốc vì dân số già đang thay đổi và cách sống của những người già cũng thay đổi. Chúng tôi cần nhiều sự lựa chọn hơn”, ông Yu chia sẻ.

Phí thành viên trong 15 năm tại Ardor Gardens là 990.000 nhân dân tệ (143.000 USD) cho căn hộ một phòng ngủ, cùng với khoản thanh toán hàng tháng 4.600 nhân dân tệ (650 USD) bao gồm phí quản lý và chăm sóc sức khỏe. 150 cư dân tại đây sẽ được tham gia nhiều hoạt động như vẽ tranh sơn dầu, bóng bàn và bơi lội.

Trong khi đó, giá thuê hàng tháng tại dự án Nam Kinh của Keppel sẽ vào khoảng 3.000 USD. Giám đốc Lim cho biết: “Đây không phải là một dịch vụ rẻ nhưng khi người châu Á ngày càng giàu có, chúng tôi hy vọng một số lượng lớn người cao tuổi sẽ thấy dịch vụ này phù hợp”.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Dự báo Hàn Quốc sẽ trở thành nước có dân số già nhất thế giới vào năm 2044
Dự báo Hàn Quốc sẽ trở thành nước có dân số già nhất thế giới vào năm 2044

Ngày 5/9, Tổng cục Thống kê Hàn Quốc công bố số liệu dự báo nước này sẽ trở thành quốc gia có dân số già nhất thế giới vào năm 2044.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN