Ai Cập cũng ghi nhận thêm 1.475 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Bắc Phi này lên 55.233 ca.
Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ở nước này tăng liên tục và đều ở mức trung bình trên 1.000 người/ngày. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng có thêm 409 bệnh nhân đã bình phục và được ra viện, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 14.736 người.
Tính đến nay, Ai Cập đã có tới 87 bác sĩ tử vong do COVID-19 sau khi có thêm 6 bác sĩ tử vong trong 2 ngày vừa qua. Nghiệp đoàn y bác sĩ Ai Cập (EMS) đã lên tiếng kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm giảm tải cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 đồng thời cung cấp thêm trang thiết bị phòng hộ cho đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Mặc dù Ai Cập đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19, số ca nhiễm mới ở nước này vẫn tăng nhanh trong những ngày gần đây. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry mới đây đã lên tiếng kêu gọi quốc tế tạo điều kiện để cho phép tiếp cận các công nghệ mới về phát hiện bệnh hoặc phát triển vaccine mới và điều trị cho bệnh nhân của tất cả các nước, đặc biệt các nước châu Phi, với giá cả hợp lý.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn, Ai Cập ngày 21/6 vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với sự tham gia của hàng trăm nghìn thí sinh. Các thí sinh đều phải đeo khẩu trang, dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn. Bộ Y tế Ai Cập đã huy động 2.500 xe cứu thương sẵn sàng ứng cứu và bố trí 1 bác sỹ túc trục tại mỗi trường học tổ chức thi. Thí sinh nào có triệu chứng sốt cao phải hoãn thi hoặc ngồi thi ở nơi cách ly. Các thí sinh được đo thân nhiệt trước khi ngồi vào bàn thi, đồng thời các bàn được bố trí cách xa nhau. Dự kiến, có gần 670.000 học sinh các trường trung học phổ thông công và tư thục và 128.000 học sinh các trường tôn giáo tham gia kỳ thi này.
Giới chức Ai Cập đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, song vẫn đóng cửa các trường học và trường đại học kể từ tháng 3 vừa qua.
* Cùng ngày, một số nước ở Trung Đông như Iraq, Israel và Saudi Arabia ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Cụ thể, Iraq thông báo có thêm 1.646 ca nhiễm mới và 87 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 30.868 ca, trong đó có 1.100 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục và xuất viện đến nay là 13.935 người.
Tại Israel, tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 20.778 ca, sau khi có thêm 145 ca nhiễm mới, trong đó có 306 ca tử vong. 15.694 bệnh nhân đã phục hồi và được xuất viện. Bất chấp dịch bệnh gia tăng, ngành đường sắt của Israel sẽ nối lại hoạt động vào ngày 22/6, với tối đa 500 hành khách trên một chuyến tàu. Mỗi hành khách đều được đo thân nhiệt bằng camera hồng ngoại, phải đeo khẩu trang và không được ăn, uống trên tàu.
Saudi Arabia ngày 21/6 thông báo có thêm 3.379 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 157.612 ca. Trong khi đó, số ca tử vong đã lên tới 1.267 ca sau khi có thêm 37 ca tử vong mới. Tổng số bệnh nhân COVID-19 phục hồi đến nay là 101.130 người.