Trong số các ca nhiễm mới có 11 người Singapore, trong khi lao động nhập cư sống trong các khu nhà dành cho lao động nước ngoài chiếm đa số các ca còn lại. Con số lây nhiễm ngoài cộng đồng và số ca nhiễm không rõ nguồn gốc đã và đang giảm dần. Hiện Singapore đã có 1.513 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện, 18 người tử vong.
Tính từ ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 23/1, sau khoảng 13 tuần, Singapore ghi nhận số ca nhiễm lên trên 10.000 người vào ngày 22/4. Tuy nhiên, số bệnh nhân tại nước này đã tăng gấp đôi chỉ trong 2 tuần vừa qua.
Tại Philippines, tổng số ca nhiễm COVID-19 đã vượt mốc 10.000. Trong thông báo ngày 6/5, Bộ Y tế nước này cho biết 320 ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên 10.004. Bộ này cũng thông báo 21 trường hợp tử vong mới, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 658. Tuy nhiên 98 trường hợp đã khỏi bệnh, đưa tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 1.506.
Trong khi đó, Malaysia ngày 6/5 thông báo 45 ca nhiễm COVID-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 6.428. Số ca tử vong tại nước này hiện là 107 người.
Tại Indonesia, số ca nhiễm mới trong ngày 6/5 là 367 người và 23 ca tử vong. Như vậy, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này hiện là 12.438, trong đó 895 người đã không qua khỏi.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Tổng Cục Thuế và hải quan Campuchia quyết định tạm thời bãi bỏ lệnh cấm và yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế đối với tất cả các loại khẩu trang xuất khẩu.
Báo Phnom Penh Post dẫn văn bản ra ngày 4/5 của Tổng Cục Thuế và hải quan Campuchia cho hay chính phủ đã dự trữ đủ khẩu trang để sử dụng trong mùa dịch COVID-19 tại Campuchia. Một số công ty đang sản xuất khẩu trang xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và quyết định bỏ cấm xuất khẩu sản phẩm này sẽ có lợi cho doanh nghiệp.
Bộ Y tế Campuchia sáng 6/5 ra thông cáo cho biết trong 24 ngày liên tiếp, Campuchia không phát hiện ca nhiễm mới COVID-19. Trong tổng cộng 122 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Campuchia, 120 người đã khỏi bệnh và xuất viện.