Cụ thể, có tổng cộng 89 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trong ngày 25/2, nâng tổng số ca nhiễm ở Papua New Guinea lên 1.228 ca.
Mặc dù Papua New Guinea dường như không thuộc nhóm chịu tác động tồi tệ nhất từ đại dịch, nhưng tại nước này đang xuất hiện một số ổ dịch đáng lo ngại ở một số tỉnh trong khi hoạt động xét nghiệm virus chưa được tiến hành rộng rãi. Nước này đến nay mới xét nghiệm cho 50.000 người trong số 9 triệu dân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo "số ca nhiễm có xu hướng cao hơn tại các tỉnh tăng xét nghiệm".
Năm ngoái, số ca nhiễm tập trung chủ yếu ở thủ đô Port Moresby, nhưng giờ đây một số vùng sâu vùng xa với cơ sở y tế yếu kém cũng đang phải cố gắng kiểm soát dịch. Có 75 ca nhiễm mới được ghi nhận ở West Sepik, vùng biên giới giáp với tỉnh West Papua của Indonesia, và nhiều ca nhiễm khác cũng được ghi nhận ở New Britain và Bougainville.
* Tại Australia, thành phố lớn thứ hai - Melbourne - và toàn bang Victoria thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ nửa đêm 26/2. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc khi sử dụng các phương tiện công cộng, xe chung và taxi, hoặc ở những nơi nhạy cảm như cơ sở dưỡng lão và một số điểm bán lẻ lớn như các siêu thị, trung tâm mua sắm...
Theo quy định mới, người dân sẽ được phép tổ chức sự kiện có 30 người tham gia tại nhà. Giới hạn cho các cuộc tụ tập ngoài trời ở nơi công cộng như bãi biển và công viên được tăng lên không quá 100 người. Các văn phòng, công ty, thuộc cả khu vực công và tư nhân, được phép cho 75% nhân viên và người lao động làm việc trực tiếp. Tuy nhiên, nhà hàng, quán cà phê, các cơ sở làm đẹp sẽ vẫn duy trì giãn cách mỗi mét vuông chỉ được 1 người.
* Cũng trong ngày 26/2, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà. Hàn Quốc dự kiến tiêm phòng cho 70% dân số trong 7 tháng, trong khi Hong Kong đặt mục tiêu đến cuối năm nay hoàn thành tiêm phòng cho toàn bộ người trưởng thành.
Đây là hai nơi đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hồi đầu năm 2020. Tuy nhiên, cả hai đều đã giữ cho số ca nhiễm ở mức tương đối thấp, nhờ các biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với người nhập cảnh, cùng với các biện pháp giãn cách xã hội và truy vết hiệu quả cũng như chương trình xét nghiệm hàng loạt.
Trong khi Mỹ và châu Âu nhanh chóng tiêm chủng cho hàng triệu người, nhiều nơi ở châu Á - Thái Bình Dương chống dịch tương đối tốt nên tiến hành tiêm chủng chậm hơn. New Zealand và Australia vừa khởi động chương trình tiêm chủng đại trà cuối tuần trước trong khi Trung Quốc đã tiêm phòng được cho 40 triệu người, nhiều thứ hai thế giới.
Tuy nhiên Trung Quốc chưa đạt được mục tiêu tiêm phòng cho 50 triệu người vào giữa tháng 2. Trong khi đó, tại Nhật Bản, giới chuyên gia y tế lo ngại những tranh cãi về vaccine có thể khiến người dân do dự.