Theo kênh CNBC, Đức từng được ca ngợi vì phản ứng nhanh chóng chống đại dịch COVID-19, nhưng tới nay, Đức mới chỉ tiêm 15% trong tổng số liều vaccine AstraZeneca nhận được.
Một số quan chức cho rằng niềm tin của người dân đã bị lung lay sau một số phát ngôn của các lãnh đạo chính trị và thông tin báo chí thiếu chính xác về hiệu quả của vaccine AstraZeneca. Một số người khác cho rằng kế hoạch tiêm chủng của Đức đã thất bại trong khuyến khích người dân đặt lịch tiêm vaccine.
Giáo sư Thomas Mertens, Chủ tịch Ủy ban Thường trực Tiêm chủng của Đức phát biểu với BBC ngày 25/2: “Chúng ta đang khá vất vả trong vấn đề tiêm chủng, trong thuyết phục người dân chấp nhận vaccine, trong xây dựng lại niềm tin vào vaccine. Nhưng đây là vấn đề tâm lý và sẽ mất thời gian để đạt mục tiêu”.
Triển khai tiêm vaccine ở Liên minh châu Âu (EU) tới nay đã chậm hơn nhiều so với Mỹ hay Anh. Lãnh đạo EU đã bàn cách đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trong bối cảnh các biến chủng mới có thể gây ra làn sóng lây nhiễm mới ở châu Âu. Cứ 100 người ở EU thì mới có 7 người được tiêm vaccine COVID-19, trong khi con số này ở Mỹ là 20/100 và ở Anh là 28/100.
Với tỷ lệ tử vong thuộc hàng cao nhất thế giới, Anh đã được ca ngợi trong thực hiện chiến lược vaccine. Tờ Bild của Đức cho rằng Đức phải ghen tị với Anh vì thành tích này.
Mỹ dựa chủ yếu vào vaccine trong nước của Pfizer và Moderna, còn châu Âu phục thuộc nặng vào vaccine của AstraZeneca.
Do có thông tin nói rằng chưa đủ dữ liệu lâm sàng để bảo đảm hiệu quả của vaccine AstraZeneca với người trên 65 tuổi, nên vaccine này chỉ dành để tiêm cho người trẻ hơn. Do đó, Đức không thể tiêm vaccine sẵn có cho người già.
Các bang ở Đức cũng không thể thuyết phục người dân thuộc nhóm đối tượng ưu tiên thứ hai và ba đi tiêm vaccine.
Trong khi giới chức châu Âu vội vã trấn an người dân và cập nhật chính sách, thì Đức cũng phải thay đổi danh sách ưu tiên tiêm vaccine để thêm cả giáo viên vào nhóm ưu tiên thứ hai.
Các quan chức Đức đã tích cực khuyến khích người dân tiêm vaccine. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thì đề nghị tiêm cho lực lượng cảnh sát và quân đội. Ông Spahn nhấn mạnh rằng được tiêm vaccine AstraZenea an toàn và hiệu quả là đặc ân.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo người dân rằng chừng nào mà vaccine còn hiếm như hiện nay thì không thể kén chọn loại vaccine để tiêm.
Trong khi đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier chỉ trích những người hoài nghi đối với vaccine COVID-19 và yêu cầu người dân Đức tin tưởng vào các loại vaccine đã được phê duyệt. Ông nhấn mạnh nghiên cứu khoa học cho thấy các loại vaccine được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt đều có hiệu quả và tương thích tốt.
Về tình hình dịch bệnh, các bác sĩ cấp cứu và chăm sóc đặc biệt của Đức kêu gọi gia hạn các biện pháp phòng dịch đến đầu tháng 4. Theo Chủ tịch Hiệp hội Liên ngành về Chăm sóc Đặc biệt và Y tế Cấp cứu (DIVI), ông Gernot Marx, thời gian ba tuần tới với các biện pháp nghiêm ngặt hơn là rất quan trọng để tránh làn sóng lây nhiễm thứ ba. DIVI dự báo rằng nới lỏng phòng dịch vào ngày 7/3 có thể làm tăng số lượng ca bệnh nặng COVID-19 ở các bệnh viện.
Trong ngày 25/2, Đức đã ghi nhận 10.782 trường hợp ca nhiễm COVID-19 mới, 393 ca tử vong. Tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày/100.000 tăng từ 59,3 lên 61,7.