Tại Đông Nam Á, Lào ghi nhận 1.401 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại Lào đến nay lên tới 58.798 ca. Đây là số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay được ghi nhận tại nước này. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng thêm 4 ca, nâng tổng số người không qua khỏi lên 116 người.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào đang tập trung thúc đẩy chương trình tiêm chủng để sớm đưa đất nước đạt được tỷ lệ phủ vaccine đủ cho việc mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, trong nỗ lực nhằm sớm mở cửa trở lại đất nước, Chính phủ Lào đang có kế hoạch cho những khách du lịch đã tiêm đủ vaccine được nhập cảnh nước này theo một Đề án có tên gọi là “Vùng xanh du lịch”. Kế hoạch có thể bắt đầu được triển khai vào tháng 1/2022 tới, theo đó, các “Vùng xanh” dự kiến ban đầu sẽ gồm thủ đô Viêng Chăn, Vang Vieng và Luang Prabang, những nơi có điều kiện an toàn cho du khách và các nhà cung cấp du lịch.
Campuchia đang bước vào ngày thứ 18 của giai đoạn bình thường mới với số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở mức thấp. Trong ngày 18/11, nước này xác nhận 54 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 4 ca nhập cảnh. Đáng lưu ý, trong số 6 ca tử vong được ghi nhận trong ngày, có đến 5 ca là các bệnh nhân chưa tiêm phòng COVID-19. Tính từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, Campuchia ghi nhận gần 120.000 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 2.800 ca tử vong. Chính phủ Campuchia đã cho phép các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát tại các địa phương trên toàn quốc mở cửa đón khách trở lại kể từ ngày 18/11.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc ngày 18/11 ghi nhận 3.292 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca lên 406.065 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 3.187 ca sau khi có thêm 29 người không qua khỏi. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng hiện chỉ còn 506 ca, giảm 16 ca so với mức cao nhất (522 ca) trong ngày 17/11 vừa qua.
Tình hình dịch COVID-19 tại châu Âu tiếp tục diễn biến đáng lo ngại khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu tuần trước đã tăng 5%. Theo đó, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca tử vong trong tuần gia tăng.
Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết ngày 18/11, Đức ghi nhận 65.371 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Nước này cũng có thêm 264 ca tử vong vì dịch COVID-19. Hiện tổng số ca bệnh tại Đức tăng lên 5.195.321 ca, trong đó 98.538 người không qua khỏi. Ủy ban thường trực tiêm chủng quốc gia Đức đã khuyến nghị tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên. Các nhà lãnh đạo Đức dự kiến sẽ thảo luận về kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Áo ngày 18/11 ghi nhận dấu mốc buồn khi số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày lần đầu tiên vượt 15.000 ca. Cụ thể, Áo ghi nhận 15.145 ca mắc mới trong bối cảnh các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bắt đầu lên kế hoạch đóng cửa hoàn toàn. Điều này buộc chính phủ phải cân nhắc thực hiện quyết định tương tự trên toàn quốc thay vì chỉ phong tỏa tất cả những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 như hiện nay.
Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp đã yêu cầu các bác sĩ tư nhân ở 5 khu vực phía Bắc của đất nước hỗ trợ hệ thống y tế trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang phải chật vật đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Trong ngày 17/11, Hy Lạp ghi nhận 6.682 ca mắc mới COVID-19 và thêm 87 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 853.841 ca kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái, trong đó có 17.012 người không qua khỏi.
Pháp ngày 17/11 ghi nhận trên 20.000 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức cao nhất tại quốc gia châu Âu này tính từ ngày 25/8 đến nay trong bối cảnh làn sóng dịch lần thứ 5 đang hoành hành phức tạp với tốc độ lây nhiễm tăng nhanh. Bộ Y tế Pháp thông báo với 20.294 ca mới, tổng số ca hiện tăng lên thành 7,33 triệu ca. Chính phủ Pháp đang kỳ vọng tỷ lệ tiêm phòng cao sẽ hạn chế được các trường hợp phải nhập viện.
Chính phủ Séc đã thông qua kế hoạch chỉ cho phép những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã bình phục sau khi mắc bệnh trong vòng 6 tháng được vào các nhà hàng, khách sạn và sử dụng các dịch vụ khác. Quyết định này nhằm khuyến khích người dân đi tiêm vaccine. Tương tự, Slovakia cũng sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm vaccine.
Ủy ban tham vấn về COVID-19 của Bỉ đã nhóm họp và nhất trí tăng cường các biện pháp nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4 đang hoành hành tại nước này. Các biện pháp ứng phó mới có hiệu lực kể từ ngày 20/11 - 13/12 tới bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang tại các sự kiện được tổ chức cả ở bên ngoài và trong phòng kín, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thương mại, giải trí. Riêng các vùng nói tiếng Pháp, tiếng Hà Lan và tiếng Đức có thể tự quy định về việc đeo khẩu trang tại các trường học. Chính phủ liên bang cũng thống nhất bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với các nhân viên y tế từ tháng 1/1/2022.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo nước này sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường cho đối tượng trên 60 tuổi và nhân viên y tế. Tây Ban Nha là một trong số nước châu Âu có tỷ lệ tiêm chủng cao. Thống kê cho thấy khoảng 79% dân số nước này đã tiêm đủ liều, mức này ở Anh là 68% và tại Đức và Pháp là 75%.
Là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, Ukraine đang bị ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng dịch mới nhất hiện nay do biến thể Delta hoành hành. Biến thể này lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn đối với trẻ em. Ngày 18/11, đất nước có 40 triệu dân này đã ghi nhận 752 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, mức cao thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng thấp đang góp phần làm trầm trọng thêm làn sóng lây nhiễm hiện nay ở nước này.
Tại châu Mỹ, tốc độ tiêm chủng cho trẻ em ở Mỹ cao gấp 3 lần so với người lớn khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng. Hiện ít nhất 2,6 triệu trong số khoảng 28 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tại Mỹ đã được tiêm một mũi vaccine. Trong khi đó, Chính phủ Canada dự kiến sẽ nới lỏng các quy định nhập cảnh đối với công dân nước này. Theo đó, người Canada có chuyến đi nước ngoài dưới 72 giờ đồng hồ tới Mỹ sẽ không phải thực hiện xét nghiệm PCR khi nhập cảnh trở về nước.
Liên quan đến việc phát triển phương thức điều trị COVID-19, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) ngày 18/11 cho biết thuốc kháng thể chống COVID-19 dạng tiêm mang tên Evusheld của hãng này cho hiệu quả bảo vệ lên đến 83% trong vòng 6 tháng. Theo AstraZeneca, loại thuốc tiêm này có công dụng chính là phòng ngừa, nhưng những kết quả nghiên cứu mới nhất có thể giúp AstraZeneca hướng tới trở thành nhà cung cấp cả vaccine ngừa COVID-19 và thuốc điều trị giống như hãng Pfizer đang làm.