Hồi tháng 11, Slovenia đã ký thỏa thuận với Algeria để nhập khẩu 300 triệu m3 khí đốt mỗi năm bằng các đường ống hiện có đi qua Italy. Thỏa thuận được đánh giá sẽ giúp Slovenia giảm 1/3 lượng nhập khẩu khí đốt của Nga. Khoảng 85% lượng khí đốt của Hungary vẫn đến từ Nga, mặc dù Budapest đã thiết lập các liên kết để nhập khẩu khí đốt từ tất cả các nước láng giềng ngoại trừ Slovenia.
Các nước phương Tây đã tìm cách hạn chế thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt của Nga kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga xuất khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng và bắt đầu thực thi từ ngày 5/12. Giới hạn này sẽ được xem xét hai tháng một lần để duy trì ở mức giá trần thấp hơn 5% so với chuẩn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Các quốc gia G7 và Australia cùng ngày cũng đồng ý ấn định mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga.
Trước đó, ngày 2/12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết nước này cố gắng đạt được sự miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt của EU đối với khí đốt và năng lượng nguyên tử của Nga.