Sinh viên nông thôn Ấn Độ đổ xô đi du học nước ngoài bất chấp nhiều rủi ro

Triển vọng việc làm thấp, điều kiện sống khó khăn đang khiến ngày càng nhiều học sinh ở các vùng nông thôn của Ấn Độ lựa chọn du học nước ngoài, dù gia đình phải vét sạch tiền bạc.

Chú thích ảnh
Vijay Chauhan và Vishal, 18 tuổi, học tiếng Anh tại Western Overseas. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), khi Sachin, 19 tuổi, không đủ điểm trúng tuyến vào một trường đại học tốt ở Ấn Độ, bố của em - chủ một doanh nghiệp nhỏ, đã đi vay và rút hết tiền tiết kiệm của gia đình cho con trai du học Canada.

Gia đình đã gom được 2 triệu rupee (khoảng 25.035 USD) để trang trải học phí luyện thi tiếng Anh cho Sachin và cho em đăng ký du học qua Western Overseas, một trong hàng chục tổ chức tư vấn thị thực ở Ambala, cách New Delhi khoảng 250km. Tổ chức này hứa hẹn Sachin sẽ có cuộc sống tốt hơn nếu sang nước ngoài học tập.

“Ước mơ của em là định cư nước ngoài vì em không thấy tương lai ở Ấn Độ”, Sachin chia sẻ. Cậu dự định đến Canada học ngành quản trị kinh doanh trong 2 năm sau đó tìm thị thực làm việc dài hơn.

Trong nhiều thập kỷ, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã tìm triển vọng tốt hơn ở các quốc gia khác để gửi  con cái họ ra nước ngoài du học. Tuy nhiên,  gần đây, nhiều gia đình nông thôn nghèo hơn - như gia đình của Sachin - cũng cố gắng xoay xở để đầu tư cho con cái du học nước ngoài, dù rất khó khăn về tài chính.

Sachin cho biết hai người bạn của cậu hiện ở Canada kiếm được khoảng 918 USD/tháng nhờ công việc bán thời gian trong thời gian học lấy bằng.

Chú thích ảnh
Tổ chức tư vấn du học Western Oversea. Ảnh: Reuters

Khi nhiều quốc gia đang gỡ bỏ các hạn chế COVID-19, vào đầu năm 2022, gần 1 triệu học sinh, sinh viên Ấn Độ đã đến những quốc gia như Mỹ, Canada, Australia, Anh, Ireland và New Zealand để du học. Theo ước tính của chính phủ và ngành giáo dục, con số này đã tăng gần gấp đôi so với mức trước đại dịch.

Trong đó, nhiều học sinh đã lựa chọn du học thông qua ác công ty tư vấn như Western Overseas. Công ty này chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo trình độ tiếng Anh, lựa chọn khóa học, xử lý đơn xin thị thực và thậm chí là bố trí công việc bán thời gian cho sinh viên ở nước ngoài.

 Catriona Jackson, Giám đốc điều hành của Đại học Australia, cho biết trên 76.000 sinh viên Ấn Độ đang du học tại Australia. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên sau khi cả hai nước ký hiệp định thương mại song phương trong năm nay.

Theo báo cáo từ công ty tư vấn Red Seer, thị trường giáo dục nước ngoài ước tính sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 30 tỷ USD lên 80 tỷ USD vào năm 2024, khi thu nhập toàn cầu và nhu cầu của tầng lớp trung lưu tăng lên. Các chuyên gia tư vấn thị thực cho biết chi phí giáo dục tư nhân ngày càng tăng, cơ hội việc làm giảm trong khu vực công và sản xuất ở Ấn Độ, đã buộc hàng nghìn gia đình phải thế chấp tài sản hoặc vay ngân hàng để cho con đi du học.

Ông Piyush Kumar, Giám đốc khu vực Nam Á của IDP Education, cho biết doanh thu đầu tư là rất, rất tốt. Công ty này đang có kế hoạch mở 27 văn phòng tại các thị trấn nhỏ trên khắp Ấn Độ trong năm nay, với lượng tuyển sinh tăng hơn 90% sau 2 năm đại dịch bùng phát.

Triển vọng hứa hẹn

Một số trường đại học nước ngoài và các đối tác địa phương đã tổ chức các hội nghị giáo dục tại các khách sạn 5 sao đắt đỏ thông qua hình thức trực tuyến ở các thị trấn nhỏ để thu hút sinh viên. Tại một sự kiện gần đây diễn ra tại một khách sạn sang trọng ở Chandigarh, cách Ambala khoảng 40 km, trên 500 sinh viên đã có mặt để tìm hiểu cơ hội học tập ở hơn 40 trường đại học từ Australia và Canada.

Gagandeep Singh, doanh nhân nhỏ ở thị trấn Dera Bassi gần đó, đã đến sự kiện cùng con gái của ông, cô Jashandeep Kaur. Jashandeep đã nhận được lời mời từ một số trường đại học Australia. Cô nói: “Tôi đã chọn theo học Đại học Canberra. Chị gái tôi cũng đã tốt nghiệp Thạc sĩ Dược ở đây”, cô nói và cho biết sự an toàn của phụ nữ và triển vọng nghề nghiệp là những cân nhắc chính khi lựa chọn theo học tại ngôi trường này.

Chú thích ảnh
Jashandeep Kaur và mẹ cô. Ảnh: Reuters

Nhờ sự phát triển vượt bậc của internet trong những năm gần đây, các công ty tư vấn thị thực đã có thể tiếp cận các thị trường mới ở các vùng nông thôn, bên cạnh các kênh quảng cáo truyền thống.

Cô Bhupesh Sharma, Giám đốc tiếp thị của Western Overseas, cho biết: “Chúng tôi đăng tải những câu chuyện thành công của nhiều sinh viên trên Facebook và các nền tảng khác. Chúng tôi đã mở rộng chi nhánh đến 9 thành phố lớn ở miền bắc Ấn Độ và đưa gần 1.000 sinh viên ra nước ngoài”.

Pradeep Baliyan, người sáng lập công ty, cho biết Western Overseas đặt mục tiêu gửi khoảng 5.000 sinh viên ra nước ngoài trong năm nay. Theo ông, công ty cũng đã mở chi nhánh ở Australia và Canada cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm cho các bạn trẻ.

Với hơn 300 triệu học sinh và số lượng học sinh muốn học đại học ngày càng tăng, Ấn Độ đang nỗ lực cung cấp đủ trường đại học và việc làm cho sinh viên. Trong đó, triển vọng việc làm dành cho phụ nữ vô cùng thấp, với tỷ lệ chỉ 25%, thấp nhất trong các nền kinh tế lớn. Điều đó đã khiến nhiều người Ấn Độ phải rời khỏi đất nước.

Chú thích ảnh
Lớp học IELTS tại Western Overseas. Ảnh: Reuters

Bên cạnh Australia, Canada cũng là điểm đến du học được đông đảo học sinh, sinh viên Ấn Độ lựa chọn. Một trong những điểm nhấn của Canada là du học sinh có cơ hội trở thành thường trú nhân. Ngoài ra, so với Vương quốc Anh và Mỹ cơ hội làm việc và cư trú sau đại học tại Canada linh hoạt hơn.

Các trường đại học Canada cũng đang liên kết với các tổ chức tư vấn du học quốc tế như ApplyBoard và IDP nhằm khai thác nhu cầu giáo dục quốc tế bùng nổ tại Ấn Độ. Các trung tâm thường tổ chức 8 đến 10 hội chợ giáo dục thường niên tại đây, thu hút hơn một nghìn người tham gia. Theo ApplyBoard, các cơ sở học thuật của Canada có chi phí hợp lý hơn so với Anh, Australia và Mỹ

Hàng loạt rủi ro

Chú thích ảnh
Cánh đồng ở Ambala, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, con đường đến với cuộc sống mới ở phương Tây không hề dễ dàng và cũng không chắc chắn. Do số lượng đơn đăng ký quá lớn, nhiều học sinh, sinh viên Ấn Độ đang mòn mỏi chờ giấy xác nhận thị thực để nhập cảnh nước ngoài dù năm học mới đã bắt đầu. Trong khi đó, giới chức hải quan đang phải giải quyết lượng hồ sơ tồn đọng lớn trong thời kỳ đại dịch.

Bên cạnh đó, chi phí học tập và sinh hoạt ở các nước như Canada, Australia và Mỹ cũng rất cao đối với những người Ấn Độ có thu nhập thấp hơn. Nitika Mishra, một sinh viên theo học ngành phát thanh truyền hình tại Cao đẳng Fanshawe ở London, Ontario, cho biết: “Đó là một số tiền lớn. Phải trả gấp 3 lần học phí ở Ấn Độ là một vấn đề lớn mà chúng em phải đối mặt”.

Dẫu vậy, ngay cả khi đồng rupee ở mức thấp kỷ lục, nhiều gia đình Ấn Độ vẫn sẵn sàng chấp nhận những rủi ro với hy vọng con cái họ sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Ấn Độ trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới
Ấn Độ trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và hiện chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN