Khi còn là sinh viên trường Đại học Jadavpur, anh Abhishek Banerjee (22 tuổi) đã đến thăm một lò gạch đất sét nung và từ đó nảy sinh ý tưởng chế tạo gạch từ rác thải nhựa.
“Tôi thấy các công nhân làm việc tại lò gạch bị đối xử một cách vô nhân đạo. Mọi người phải đào đất sét bằng tay trần, điều kiện làm việc rất khắc nghiệt. Tại đây, những người lao động buộc phải làm việc để trả những khoản nợ với lãi suất cắt cổ. Tôi đã nghĩ rằng mình cần phải tìm giải pháp để giúp họ”, Banerjee kể lại.
Cùng với các bạn cùng lớp, năm 2017 Banerjee đã thành lập một doanh nghiệp xã hội có tên Qube. Sản phẩm chủ yếu từ công ty này là Plastiqube – một loại gạch được sản xuất từ nhựa phế thải.
Banerjee và nhóm bạn của mình làm việc với những người gom rác ở miền Tây Bengal để thu thập rác, bao gồm chai nhựa đựng nước và túi nilon dùng một lần. Những loại rác thải này sau đó được làm sạch, nghiền nhỏ và nén thủ công thành khối. Chi phí làm ra mỗi viên gạch Plastiqube chỉ khoảng 5 – 6 rupees (1.600 đồng – 1.900 đồng), trong khi gạch đất sét nung có giá khoảng 10 rupees ( 3.300 đồng)/viên.
Anh Banerjee cho biết điểm khác biệt nhất của Plastiqube chính là có thể xây mà không cần vữa như các loại gạch truyền thống.
“Chúng cơ bản giống như những khối Lego. Những viên gạch có các rãnh khớp nhau ở cả phía dưới và phía trên có thể khóa chặt lại với nhau”, Banerjee giải thích.
Nhằm loại bỏ việc sử dụng vữa trong quá trình xây dựng, anh khẳng định loại gạch Plastiqube có thể cắt giảm tới 70% năng lượng, lượng khí thải carbon tạo ra thấp hơn rất nhiều so với gạch truyền thống.
Mỗi viên gạch Plastiqube chứa 1,6 kg rác thải nhựa. Loại gạch này vẫn chưa được thử nghiệm trong các tòa nhà. Khả năng chống cháy và độ bền của gạch rác thải hiện vẫn đang được kiểm định. Banerjee tin rằng gạch làm từ rác thải nhựa sẽ tồn tại lâu hơn gạch đất sét truyền thống, đồng thời loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường trong nhiều thế kỷ.
Theo kênh CNN, 140.000 lò gạch tại Ấn Độ đang gây ô nhiễm môi trường. Cùng với việc tạo ra bụi và sulfur dioxide (SO2), khói từ các nhà gạch còn có thể gây ra những bệnh về hô hấp và ảnh hưởng tới mùa màng, động vật hoang dã ở địa phương. Một nghiên cứu ước tính rằng các lò gạch của Ấn Độ đã đốt khoảng 15 -20 triệu tấn than mỗi năm, thải ra hơn 40 triệu tấn carbon dioxide khiến trái đất nóng lên.
Theo bà Arundhati Pandey thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ấn Độ được biết đến là một trong những nước có nền kinh tế ít lãng phí nhất thế giới. Sử dụng lại, chuyển đổi mục đích sử dụng và tái chế là tiêu chuẩn trong các hộ gia đình ở Ấn Độ, nơi có lượng khí thải mỗi người chỉ bằng một phần mười so với ở Mỹ.
Ý tưởng của Banerjee đã được đánh giá cao. Anh là một trong những người lọt vào vòng chung kết khu vực giải thưởng Young Champions of the Earth 2018 của Liên hợp quốc. Anh cũng là một thành viên của Quỹ học bổng toàn cầu Yunus và Yunus, chuyên đào tạo và hỗ trợ các doanh nhân xã hội trẻ, và những người sáng lập của Qube được vinh danh trong danh sách “30 doanh nhân xã hội dưới 30 tuổi” của Tạp chí Forbes ở châu Á.
Banerjee khuyến khích các kỹ sư và doanh nhân trẻ nuôi hy vọng về những ước mơ lớn nhưng cũng cần suy nghĩ thận trọng về tác động của nó đến môi trường.
“Khi khởi nghiệp, hãy luôn giữ mục tiêu rằng nó phải luôn bền vững. Nhìn nhận tất cả các đánh giá và sau đó thực hiện kế hoạch kinh doanh của bạn, đừng chỉ làm điều đó vì mục đích kiếm tiền”, anh khuyên các bạn trẻ.