Theo chương trình này, 3 chai nhựa cỡ lớn, 5 chai nhựa cỡ trung bình hoặc 10 chiếc cốc nhựa sẽ đổi được một vé xe buýt với hành trình hàng giờ và không hạn chế điểm dừng. Điều kiện đổi là những chiếc chai lọ hoặc cốc này không bị vỡ vụn và phải được làm sạch.
Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng trong thành phố Surabaya được bổ sung 20 xe buýt gần như mới, với mỗi xe được trang bị thêm các thùng rác tái chế và các nhân viên bán vé sẽ thu gom các chai nhựa do hành khách bỏ lại.
Sáng kiến trên đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân tại thành phố 2,9 triệu dân của Indonesia. Theo chính quyền Surabaya, mỗi tuần có 16.000 người đổi rác để được đi xe buýt miễn phí. Mỗi tháng có khoảng 6 tấn rác thải nhựa được thu gom từ các hành khách trên xe, sau đó được bán cho các công ty tái chế rác.
Theo số liệu khảo sát, quốc gia vạn đảo này là nước gây ô nhiễm biển nhiều thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Chính phủ Indonesia cam kết đến năm 2025, giảm khoảng 70% lượng rác thải nhựa tại các vùng biển của nước này, thông qua các biện pháp tái chế, giảm sử dụng đồ nhựa và nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa.
Ngoài Surabaya, chính quyền của nhiều khu vực khác tại Indonesia đang nỗ lực giải quyết nạn ô nhiễm do rác thải nhựa. Nhà chức trách tại hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali đang từng bước triển khai lệnh cấm các túi ni lông và ống hút nhựa dùng một lần, trong khi thủ đô Jakarta đang xem xét một quy định tương tự.