Singapore là một phòng thí nghiệm toàn cầu về thực phẩm và công nghệ thực phẩm mới. Có vô số lý do khiến người Singapore không cảm thấy khó chịu khi là người đầu tiên được ăn những món chưa ai từng nếm trên đĩa của mình. Ở Singapore, sự đa dạng của các món ăn được coi là rất quan trọng đối với bản sắc dân tộc và là một sợi dây văn hóa thống nhất.
Giống như nhiều tín ngưỡng khác, Hồi giáo áp đặt một số quy tắc về chế độ ăn uống đối với các tín đồ của mình: Luật ăn kiêng của Hồi giáo thường phân biệt giữa những gì được phép (halal) và những gì không được (haram).
Với quyết định mới ban hành, loại thịt mà các tín đồ Hồi giáo ăn sẽ phải được cung cấp với điều kiện là các tế bào được lấy từ động vật được cho phép theo đạo Hồi và thành phần cuối cùng không có bất kỳ thành phần nào không phải halal.
Động thái như vậy đưa Singapore trở thành một trong những quốc gia đầu tiên sản xuất thịt trồng trọt và đảm bảo thịt đó là sản phẩm halal cho người Hồi giáo. Việc cấp phép thịt nhân tạo nằm trong kế hoạch củng cố an ninh lương thực của Singapore, bởi quốc đảo này đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thực phẩm nhập khẩu.
An ninh lương thực càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Singapore đặt mục tiêu sản xuất 30% lương thực tiêu thụ nội địa vào năm 2030, tăng từ mức chưa tới 10% hiện nay.
Chính phủ Singapore đang đẩy mạnh đầu tư vào các nông trại trong nước. So với thịt truyền thống, thịt nuôi cấy nhân tạo được quảng cáo là mang tính nhân văn và bền vững hơn với môi trường.
Ông Masagos Zulkifli, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Hồi giáo, nói với các phóng viên rằng vấn đề thịt nuôi trong phòng thí nghiệm đã được Hội đồng Hồi giáo Singapore (Muis) nghiên cứu từ năm 2022 và quyết định này của Muis sẽ được ban hành sớm.
Tiến sĩ Nazirudin Mohd Nasir, thành viên của Muis, chia sẻ rằng trong khi có những người cho rằng không cần những nguồn thực phẩm như vậy và cộng đồng Hồi giáo nên tiếp tục thưởng thức thực phẩm thực sự thì Ủy ban Fatwa của Muis đã xem xét cẩn thận liệu thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm có phù hợp để người Hồi giáo được tiêu thụ hay không.
Thịt nhân tạo khác với thịt chay (plant-based) khi nó được tạo ra bằng cách lấy tế bào gốc từ cơ của động vật và nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm để trở thành thịt. Quan trọng hơn, quy trình tạo ra loại thịt này hoàn toàn không dùng chất kháng sinh.
Hãng tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey dự đoán giá trị thị trường của ngành sản xuất thịt nhân tạo ở Singapore sẽ tăng lên 25 tỷ USD vào năm 2030.
Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán sản phẩm được gọi là thịt sạch không phải là thịt động vật bị giết mổ này.
Trên toàn cầu, hiện có khoảng hai chục công ty đang thử nghiệm các loại thịt từ cá, bò, gà nuôi trong phòng thí nghiệm, với hi vọng thâm nhập vào một phân khúc còn chưa được chứng minh của thị trường thịt thay thế, ước tính có thể trị giá 140 tỉ USD vào năm 2029.