Giữa tuần trước, Singapore đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin về thuế giữa các nước. Nhiều người lo ngại Singapore có thể sẽ không còn là “thiên đường thuế” đối với nhiều cá nhân và tổ chức nước ngoài.
Bước đi khôn khéo
Động thái của Singapore được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường sức ép đối với những “thiên đường trốn thuế” như Thụy Sỹ và Lítenxtanh phải minh bạch hóa thông tin nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế và gian lận thuế xuyên quốc gia, coi đây là công việc cấp bách để tăng nguồn thu kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ công. Tại cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Tài chính (ECOFIN) tuần trước, Hội đồng châu Âu đã ủy quyền cho Ủy ban châu Âu (EC) thương lượng để sửa đổi các hiệp định mà EU đã ký với Thụy Sỹ, Lítenxtanh, Monaco, Andora và San Marino về việc đánh thuế đối với thu nhập từ các khoản tiền gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh đều nhất trí sẽ tham gia cơ chế thử nghiệm trao đổi đa phương nhằm xây dựng một tiêu chuẩn toàn cầu để chống lại việc trốn thuế.
Singapore sẽ không còn là “thiên đường thuế”? Ảnh: AFP/TTXVN |
Không chờ như Thụy Sỹ để châu Âu và Mỹ phải gây áp lực, ngày 14/5, Singapore đã có bước đi khôn khéo khi khẳng định sẽ tham gia hiệp định đa phương về chia sẻ thông tin thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS - trên thực tế là ngân hàng trung ương) tuyên bố sẽ ký Hiệp định tương trợ hành chính trong các vấn đề về thuế do OECD khởi xướng.
Ngoài ra, MAS sẽ mở rộng hoạt động trợ giúp về trao đổi thông tin (EOI) với tất cả các đối tác đã ký kết hiệp định thuế song phương với nước này theo tiêu chuẩn được cộng đồng quốc tế chấp thuận, đồng thời cho phép Cơ quan Thuế vụ Nội địa Singapore (IRAS) thu thập thông tin ngân hàng từ các tổ chức tài chính mà không cần xin lệnh của tòa án. Thêm vào đó, MAS dự định sẽ ký kết với Mỹ hiệp định liên chính phủ nhằm giúp các tổ chức tài chính ở Singapore tuân thủ Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài khoản Nước ngoài (FATCA) - một đạo luật yêu cầu tất cả các tổ chức tài chính bên ngoài nước Mỹ phải định kỳ cung cấp thông tin về các tài khoản của các công dân Mỹ cho nhà chức trách nước này.
Lợi ích lâu dài
Dự kiến, những sửa đổi về lập pháp sẽ được thông qua tại Quốc hội Singapore trong năm nay. Trước đó, quốc đảo này đã tăng cường kiểm soát bằng cách yêu cầu các tổ chức tài chính xác minh các tài khoản tình nghi có nguồn gốc từ các hành vi trốn thuế hoặc gian lận thuế và nếu cần, phải đóng tài khoản trước ngày 1/7. Sau ngày đó, các khoản tiền có nguồn gốc từ trốn thuế sẽ bị coi là phạm tội theo các điều khoản sửa đổi của luật chống rửa tiền của Singapore.
Hiện Singapore là trung tâm tài chính lớn thứ tư thế giới. Theo MAS, đến cuối năm 2011, tổng giá trị quản lý tài sản của nước này vào khoảng 1.400 tỷ SGD (khoảng 1.100 tỷ USD), trong đó hơn 70% có xuất xứ từ nước ngoài. Theo một số chuyên gia phân tích, động thái mới nhất của các nhà chức trách Singapore có thể sẽ tác động tiêu cực đối với ngành quản lý tài sản của đảo quốc này. Điều người ta quan ngại nhất đó chính là khả năng dòng vốn sẽ chảy ra khỏi Singapore.
Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng các ảnh hưởng như vậy sẽ chỉ mang tính chất tạm thời. Mạng tin Channel News Asia (CNA) dẫn phân tích của ngân hàng tư nhân Bordier & Cie cho rằng các lợi ích dài hạn sẽ lớn hơn sự tháo chạy của dòng vốn trong ngắn hạn. Evrard Bordier, một quan chức của Bordier & Cie, cho rằng việc siết chặt kiểm soát sẽ tạo ra sự khác biệt giữa Singapore và các “thiên đường trốn thuế” kém danh tiếng, đồng thời đưa đảo quốc này “ngang hàng với London, New York và thậm chí là Thụy Sỹ". Trong khi đó, phó Giáo sư Darren Koh của Học viện Quản lý Singapore (SIM) nói: “Sẽ có một số người rút vốn ra khỏi Xinhgapo nhưng nói thực, các khoản tiền như vậy có thể là những khoản tiền mà chính phủ Singapore không muốn liên quan”.
Kim Yến (P/v TTXVN tại Singapore)