Theo đó, từ ngày 8/9 việc tập trung tại nơi làm việc sẽ không được phép và Chính phủ Singapore sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đối với công ty để xảy ra ca mắc COVID-19. Đồng thời trong 2 tuần tới, người dân cũng được khuyến khích giảm tối đa các hoạt động xã hội không thiết yếu, hạn chế giao lưu xã hội xuống còn 1 cuộc/ngày.
Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sẽ được nâng cao với hai hình thức Cảnh báo nguy cơ về sức khỏe (HRW) và Thông báo nguy cơ về sức khỏe (HRA) sẽ được đưa ra khi ổ dịch mới được phát hiện. Những người nhận được HRW sẽ được yêu cầu theo luật làm xét nghiệm PCR và tự cách ly cho đến khi có kết quả âm tính từ lần xét nghiệm đầu tiên. Họ cũng sẽ phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) vào ngày thứ 7 và xét nghiệm PCR vào ngày thứ 14. Trong khi đó, những người nhận được HRA sẽ không phải thực hiện các biện pháp trên theo luật, nhưng được khuyến khích làm xét nghiệm PCR càng sớm càng tốt. HRW và HRA không phải là lệnh yêu cầu cách ly nhưng tất cả những người nhận được HRW hoặc HRA đều phải giảm tương tác xã hội trong 14 ngày.
Cùng với đó, Chính phủ Singapore sẽ triển khai xét nghiệm diện rộng, nhanh và dễ dàng hơn. Theo đó, tất cả lao động nhập cư sống tại các khu ký túc phải tự làm xét nghiệm ART cứ 7 ngày hoặc 14 ngày một lần tùy theo quy định. Người lao động trong nhiều lĩnh vực hơn như nhân viên siêu thị, nhân viên giao hàng, lái xe trong ngành vận tải công và tư… đều phải làm xét nghiệm ART bắt buộc 7 ngày/lần thay vì 14 ngày/lần như trước đây. Chi phí xét nghiệm sẽ được chính phủ trợ cấp đến hết năm nay. Đối với các công ty không thuộc diện phải xét nghiệm bắt buộc thì phải triển khai xét nghiệm ART cho những người làm việc trực tiếp vào đầu tuần làm việc và báo cáo kết quả cho các cơ quan quản lý. Việc xét nghiệm này có thể thực hiện tại nhà hoặc nơi làm việc trong hai tháng.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai tiêm mũi tăng cường cho người trẻ. Trước đó, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 của nước này cho biết sẽ tiêm mũi tăng cường cho nhóm người có hệ miễn dịch kém, người già từ 60 tuổi trở lên và những người sống trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi vào cuối tháng 9.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc sử dụng rộng rãi hộ chiếu vaccine cho mục đích thương mại trong nỗ lực bình thường hoá các hoạt động kinh tế và xã hội trong nước vốn bị đình trệ trong một thời gian dài do đại dịch COVID-19.
Theo dự thảo kế hoạch của chính phủ, những người có hộ chiếu vaccine được phép đến các cửa hàng, với các chủ cửa hàng được phép tự do quyết định loại dịch vụ nào mà họ sẽ cung cấp cho khách hàng cũng như đối tượng được cấp dịch vụ. Ngoài ra, người có hộ chiếu vaccine có thể được giảm giá và được cấp dịch vụ bổ sung.
Tuy nhiên, kế hoạch cũng cảnh báo về các hành vi đối xử mang tính phân biệt đối với những người không có hộ chiếu vaccine, trong đó có yêu cầu phải tiêm vaccine mới được đến trường hay mới có việc làm. Kế hoạch cũng cấm các cơ sở kinh doanh tính giá đắt đỏ đối với những ngưởi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo kế hoạch, việc sử dụng hộ chiếu vaccine sẽ được chấp nhận rộng rãi tại Nhật Bản. Kế hoạch dự kiến sẽ được đệ trình tại cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ sớm nhất là vào ngày 9/9 tới.
Hiện Nhật Bản phát hành hộ chiếu vaccine để tạo điều kiện cho những người đã tiêm phòng COVID-19 ở nước này đi du lịch nước ngoài, và không dùng trong trường hợp di chuyển trong nước như đến các nhà hàng hay sự kiện thể thao. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đang lập kế hoạch thay đổi chính sách này và số hoá hệ thống vào cuối năm nay nhằm mở rộng việc sử dụng hộ chiếu vaccine ở trong nước.