Vụ tai nạn xảy ra chỉ vài tháng sau khi một máy bay cũng là loại Boeing 737 MAX thuộc hãng hàng không Lion Air của Indonesia rơi xuống biển ngày 29/10/2018 khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Trong thông báo, CAAS nêu rõ "tạm đình chỉ hoạt động của tất cả các máy bay thuộc dòng Boeing 737 MAX ra vào không phận Singapore sau khi xảy ra hai vụ tai nạn liên quan tới dòng máy bay này trong vòng chưa đầy 5 tháng". Lệnh cấm có hiệu lực từ 14h00 ngày 12/3 theo giờ địa phương, tức 13h00 cùng ngày theo giờ Việt Nam.
Theo CAAS, hãng hàng không SilkAir, một nhánh hoạt động trong khu vực thuộc hãng hàng không Singapore Airlines đang vận hành 6 máy bay Boeing 737 MAX. Các hãng hàng không khác vận hành loại máy bay này ra vào không phận Singapore có hãng China Southern Airlines, Garuda Indonesia, Shandong Airlines và Thai Lion Air. CAAS cho biết đang phối hợp với sân bay Changi của Singapore và các hãng hàng không bị ảnh hưởng nhằm giảm thiểu tác động đối với hành khách.
Trong khi đó, Chính phủ Malaysia yêu cầu xem xét lại các thỏa thuận mua máy bay Boeing 737 MAX sau khi xảy ra vụ tai nạn trên.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Malaysia Azmin Ali ngày 11/3 cho rằng Quỹ chính phủ Malaysia Khazanah Nasional BHD cần phải xem xét lại thỏa thuận của Hãng hàng không quốc gia Malaysia (MAS) về việc mua máy bay Boeing 737 MAX sau khi xảy ra thảm họa tại Ethiopia cuối tuần qua. Ông Ali nhấn mạnh vấn đề này rất cấp bách và Khazanah - công ty mẹ của MAS - cần xem xét để đảm bảo an toàn cho các hành khách của MAS. Ông cũng cho biết sẽ làm việc với Khazanah để nghe giải trình về các thỏa thuận này vì trước đó đã có những sự cố đối với loại máy bay này.
Năm 2016, MAS thông báo thỏa thuận mua 50 chiếc Boeing 737 MAX, trong đó 25 chiếc đã chắc chắn mua và 25 chiếc được quyền mua, với tổng giá trị 5,5 tỷ USD. Tiếp đó tháng 9/2017, trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Malaysia lúc đó là Najib Rajak cho biết MAS sẽ mua 8 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner và 8 chiếc Boeing 737 MAX, có tổng trị giá 3,63 tỷ USD.
Hiện tại ba hãng hàng không lớn nhất tại Malaysia là MAS, AirAsia và Malindo đều không vận hành máy bay Boeing 737 MAX. Tuy nhiên, với việc đã đặt hàng các máy bay loại này, MAS cho biết hãng này đang tìm hiểu thêm về các chi tiết kỹ thuật từ nhà sản xuất.
Trước đó, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Mông Cổ đã thông báo quyết định đình chỉ bay đối với máy bay Boeing 737 MAX. Trong khi đó, nhiều nước bao gồm Mỹ, Nga, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Iceland, Na Uy, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman vẫn duy trì khai thác loại máy bay này trong khi chờ kết quả điều tra nguyên nhân vụ tai nạn tại Ethiopia cũng như thông tin hướng dẫn để đảm bảo tối đa an toàn và an ninh cho các chuyến bay sử dụng loại máy bay thế hệ mới này.
Cùng ngày 12/3, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) Alexandre de Juniac cho rằng cần chờ kết quả điều tra vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không Ethiopian Airlines trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào về vụ việc này.
Phát biểu với báo giới bên lề một hội nghị tổ chức tại Singapore, ông de Juniac nhấn mạnh: "Thái độ nghiêm túc và thận trọng nhất là kiểm tra và xác minh sự việc. Về vấn đề này, lập trường kiên định của chúng tôi là chờ kết quả cuộc điều tra rồi mới đưa ra kết luận".
IATA đại diện cho khoảng 260 hãng hàng không trên toàn thế giới.