Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa thời gian sử dụng màn hình điện thoại thông minh và các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, những năm gần đây các trường học tại Singapore đã tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng điện thoại thông minh.
Singapore không phải là quốc gia duy nhất thực hiện các quy định này. Các nước khác như Pháp, Phần Lan và Trung Quốc cũng đã cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học.
Vào năm 2023, Liên hợp quốc đã kêu gọi lệnh cấm điện thoại trong trường học trên toàn cầu với lý do chúng có thể làm gián đoạn việc học và ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh của học sinh.
Theo đó, Bộ Giáo dục Singapore dự kiến sẽ sớm đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng đó. Phát ngôn viên của Bộ này cho biết các trường học có nhiều quy định và thói quen quản lý riêng đối với việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học của học sinh, phù hợp với từng cấp học.
Hiện các quy định của nhiều trường bao gồm nơi cất điện thoại di động chuyên dụng trong lớp học hoặc tại địa điểm được quy định để học sinh gửi điện thoại trước khi bắt đầu giờ học.
Tại trường Trung học Queensway, học sinh phải cất điện thoại di động trong “tủ khóa” vào đầu giờ học và không được sử dụng điện thoại khi bài học cuối cùng kết thúc. Tủ đựng đồ chung được đặt ở phía trước lớp học và giáo viên đảm bảo rằng tất cả học sinh đều giữ điện thoại di động ở đó cho đến khi rời trường.
Trước đây, học sinh tại trường có thể bật điện thoại và mang theo trong giờ học. Từ cuối tháng 6, nhiều trường đã yêu cầu học sinh phải tắt điện thoại di động trong giờ học và không được phép sử dụng điện thoại khi ra chơi hoặc nghỉ trưa.
Quy định mới này được cho là giúp học sinh chú ý hơn trong lớp học. Học sinh thường bị phân tâm bởi điện thoại, dù để chế độ rung, vì “cần phải kiểm tra các thông báo dù không khẩn cấp”.
Vào tháng 7, tại trường Trung học Swiss Cottage, một nhóm học sinh lớp 4 đã xếp chồng điện thoại của mình vào giữa bàn ăn trong giờ ra chơi nhằm khuyến khích trò chuyện trực tiếp với nhau thay vì nhìn vào điện thoại.
Bộ Giáo dục Singapore cho biết thêm rằng các trường có thể hạn chế việc sử dụng thiết bị di động ở những khu vực hoặc thời gian được chỉ định, như trong giờ ra chơi, sau giờ học hoặc ở tiền sảnh.
Khi việc sử dụng đồng hồ thông minh phổ biến hơn, Bộ Giáo dục cho biết học sinh sẽ phải bật chế độ không làm phiền hoặc chế độ máy bay của loại đồng hồ này trong giờ học.
Theo Bộ này, các quy định và thói quen quản lý của trường được chia sẻ với phụ huynh thông qua các nền tảng như buổi gặp gỡ phụ huynh và qua thư.
Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Singapore cho biết: “Chúng (các quy tắc và thói quen) nhằm mục đích giúp học sinh học được các giá trị và kỹ năng tự quản lý, cũng như khuyến khích tham gia vào các cơ hội học tập ngoài việc sử dụng các thiết bị, chẳng hạn như tìm hiểu thực hành, khám phá thực tế và trải nghiệm ngoài trời”.
Một số giáo viên có chung quan điểm rằng các quy định liên quan việc cấm điện thoại di động ở trường học đã thay đổi cách học sinh tương tác với nhau. Trước đây, học sinh sẽ nói chuyện với nhau nhiều hơn, có nhiều trò chơi và tương tác trực tiếp. Hiện nay, học sinh thường nói chơi trò chơi điện tử trực tuyến và thường xuyên trò chuyện về chủ đề liên quan.
Cũng có quan điểm cho rằng không thể cấm đoán hoàn toàn việc sử dụng điện thoại, sẽ khiến học sinh tụt hậu trong thế giới công nghệ cao và nhịp độ nhanh ngày nay. Nhưng chắc chắn Singapore có thể kiểm soát, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại.
Giáo sư Michael Chia, Viện Giáo dục Quốc gia, cho biết các trường học nên nuôi dưỡng những thói quen lành mạnh như cân bằng thời gian dành cho việc học và thời gian không dùng màn hình: “Nếu trẻ em và thanh thiếu niên được phép sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị khác ở trường, các cháu sẽ bị thu hút và sử dụng quá mức. Điều đó có thể không còn thời gian cho bất cứ điều gì khác, đặc biệt là hoạt động thể chất và mọi hình thức hoạt động xã hội và tương tác có nhịp độ khác với màn hình.”
Ông Michael Chia nói thêm rằng: “Trẻ em và thanh thiếu niên cần trân trọng hơn nhịp sống thực tế, dành thời gian cho mơ ước, vui chơi, dành thời gian cho bạn bè và dành thời gian cho cuộc sống ngoài học tập”, tầm quan trọng của việc này thường bị đánh giá thấp.