Hai dự án xây dựng tuyến đường ống khí đốt cực lớn tới từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã bị đình lại, với tương lai chưa có gì chắc chắn. Các dự án này từng được xem là những “trụ cột xương sống” trong chính sách đối ngoại hướng Đông của Moskva trong bối cảnh Nga đối đầu với Mỹ và châu Âu. Cuối năm 2014, Nga từng tuyên bố sớm khởi công xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, thế nhưng đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Hai dự án “Sức mạnh Siberi” và “Đường ống Altai” (Sức mạnh Siberia-2) vươn tới Trung Quốc – thị trường xuất khẩu chủ lực của Nga khi nhu cầu của châu Âu suy giảm, cũng không có bước tiến triển.
Ẩn số Thổ Nhĩ Kỳ“Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” có hạn mức đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD, chỉ riêng cho tuyến đường ống chạy từ Nga qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nga hy vọng từ đây, dòng khí đốt sẽ được các thị trường châu Âu sẽ tiếp nhận. Đường ống có công suất chuyên chở 63 tỉ m3 khí và là giải pháp thay thế sau khi dự án “Dòng chảy phương Nam” của Nga đổ bể do sự cản phá của châu Âu.
Nga thay "Dòng chảy phương Nam" (màu vàng) bằng "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" (màu xanh). Ảnh: Parapolitika |
Các quan chức hàng đầu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thúc đẩy dự án. Nhưng quá trình đàm phán giữa hai bên về một hiệp định liên chính phủ làm cơ sở pháp lý để triển khai thì lại bế tắc. Theo các nguồn tin ngoại giao, Ankara muốn bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có cả quyền được điều hành phần đường ống chạy trên phần lãnh thổ của mình, giúp gia tăng ảnh hưởng ở khu vực dưới góc độ là một trung tâm trung chuyển năng lượng. Thế nhưng yêu cầu này chưa được Moskva chấp thuận. Nga hiện trông đợi tìm kiếm một giải pháp chính trị cho những khúc mắc còn tồn tại thông qua cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan, dự kiến diễn ra trong tháng 11 tới.
Khó khăn nằm ở chỗ, bế tắc chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tiếp diễn sang cả mùa đông tới, với triển vọng có thể sẽ buộc phải tiến hành một cuộc tổng tuyển cử, do các đảng phái chính trị chưa thể đạt thỏa thuận về thành lập chính phủ liên minh, sau thất bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua. Nhiều khả năng, việc ký kết dự án giữa hai chính phủ sẽ bị hoãn lại cho tới năm 2016, thậm chí là còn lâu hơn thế.
Trung Quốc chần chừTheo dự kiến, dòng khí đốt đầu tiên từ “Sức mạnh Siberia” xuất phát từ miền Đông và “Sức mạnh Siberia-2” từ miền Tây Siberia sẽ vươn tới Trung Quốc vào năm 2018, với tổng lưu lượng vận chuyển lần lượt là 38 tỉ m3 và 30 tỉ m3/năm trong thời hạn 30 năm. Thế nhưng “Sức mạnh Siberia-2” đã bị hoãn lại, do các cuộc đàm phán đổ vỡ, chủ yếu liên quan đến yếu tố giá bán.
Đường ống chuẩn bị để xây dựng "Sức mạnh Siberia". Ảnh: RIA Novosti |
Nhiều nhà phân tích phỏng đoán, Bắc Kinh ngày càng thiếu hào hứng với dự án này, do nhu cầu tiêu thụ khí đốt giảm khi nền kinh tế có dấu hiệu chững lại. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cắt giảm mức dự báo về nhu cầu khí đốt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ 400 tỉ m3 xuống còn 300 tỉ m3/năm vào năm 2020.
Việc xây dựng tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia” hiện cũng chậm tiến độ, mãi đến tháng 6 vừa qua mới được khởi động trên phần lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh hiện tỏ ra không hài lòng với thỏa thuận được ký hồi tháng 5/2014. Nguyên nhân chủ yếu là do giá khí đốt trên thị trường thế giới liên tục giảm sâu, đồng điệu với giá dầu. Đây cũng sẽ là nhân tố khiến dự án có thể bị trì hoãn.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 9 tới, Tổng thống Putin sẽ hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình về hai siêu dự án này. Thế nhưng đa phần giới phân tích đều cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh lần này khó có thể tạo ra bước đột phá lớn.