Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, Cơ quan Khí tượng thủy văn nước này cho biết bão Amphan đã bắt đầu đi vào đất liền từ khoảng 15h (giờ địa phương) sau khi quần thảo nhiều ngày tại Vịnh Bengal và mạnh dần lên, trở thành cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Ấn Độ trong một thập kỷ qua.
Giới chức các bang Odisha và Tây Bengal cho biết các cơn cuồng phong đã làm tốc mái nhiều nhà dân, bật gốc nhiều cây cối và trụ điện, gây mất điện tại một số khu vực. Hàng nghìn người dân tại các bang này đã được sơ tán tới các địa điểm tránh trú bão. Giới chức cũng cho biết đã chuẩn bị thêm nhiều địa điểm tạm trú trong các khu chợ và các tòa nhà chính quyền để đảm bảo giãn cách xã hội trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và phát khẩu trang cho người dân. Nhiều người dân tại vùng đồng bằng ven sông Hằng lo ngại cơn bão sẽ gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng.
Trong khi đó, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Bangladesh thông báo một tình nguyện viên của nhóm này đã thiệt mạng khi hỗ trợ đưa người dân đi sơ tán. Gió mạnh khiến thuyền của tình nguyện viên này bị lật úp. Giới chức cơ quan ứng phó thảm họa Bangladesh cho biết khoảng 2,4 triệu người dân tại những khu vực có nguy cơ cao đã được đưa tới hơn 15.000 địa điểm tránh bão. Dù công tác sơ tán gặp nhiều khó khăn do chính quyền vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách, giới chức Bangladesh vẫn nỗ lực tăng thêm nhiều địa điểm tạm trú để đảm bảo khoảng cách an toàn và vệ sinh dịch tễ. Giới chức lo ngại bão mạnh sẽ tàn phá mùa màng và làm xói lở nhiều diện tích đất canh tác màu mỡ. Các nông dân trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng đã được hỗ trợ đưa nông sản và vật nuôi tới những vùng đất cao hơn để tránh bão. Giới chức cũng lo ngại siêu bão Amphan có thể là cơn bão mạnh nhất kể tư khi bão Sidr đổ bộ vào Bangladesh năm 2007 khiến khoảng 3.500 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế.
Bão Amphan là siêu bão thứ hai hình thành trên Vịnh Bengal kể từ khi các dữ liệu thời tiết về khu vực này được ghi lại và cũng là siêu bão đầu tiên được hình thành ở vịnh này từ năm 1999. Sức gió được dự báo ở mức185 km/h và gây ra những đợt sóng cao lên tới vài mét, dâng cao và tiến sâu vào đất liền tới vài km.
Vùng vùng duyên hải thấp của Bangladesh, nơi cư trú của khoảng 30 triệu dân, miền Đông Ấn Độ thường xuyên hứng chịu các cơn bão. Siêu lốc xoáy năm 1999 khiến gần 10.000 người dân bang Odisha của Ấn Độ thiệt mạng. Tám năm trước đó, một cơn bão mạnh, kèm lốc xoáy và lũ lụt cũng đã cướp đi sinh mạng của 139.000 người Bangladesh. Những năm gần đây, dù biến đổi khí hậu khiến bão gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng, nhưng các biện pháp cấp bách của chính phủ trong phòng ngừa và sơ tán sớm người dân đã giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại.