Trong số đó có voi và rái cá, cũng như kiểm soát hoạt động buôn bán quốc tế đối với hươu cao cổ, một loạt loài cá mập và cá đuối.
Công ước CITES được ký cách đây hơn 4 thập kỷ trước, kiểm soát hoạt động buôn bán đối với hơn 35.00 loài động, thực vật, đồng thời đề ra cơ chế nhằm giúp triệt phá hoạt động buôn bán trái phép các loài động, thực vật và các biện pháp trừng phạt những nước vi phạm quy định.
Hội nghị CITES đã quyết định lần đầu tiên đưa hươu cao cổ vào Phụ lục II của Công ước CITES, đồng nghĩa với việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán quốc tế đối với các bộ phận của hươu cao cổ như da, xương, thịt.... Quyết định trên được các đại biểu CITES thông qua trong bối cảnh có lo ngại cho rằng loài động vật cao nhất trên cạn và hiền lành này có nguy cơ bị "tuyệt chủng âm thầm".
Theo số liệu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), số lượng hươu cao cổ ở châu Phi nhìn chung đã giảm khoảng 40% trong 3 thập kỷ qua, xuống chỉ còn dưới 100.000 con, do nhiều nguyên nhân như chúng bị mất môi trường sinh sống do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra, nạn săn bắn trái phép... Tại hội nghị lần này, các đại biểu của hơn 180 nước ký Công ước CITES đã thừa nhận rằng việc buôn bán da, sừng, xương và móng của hươu cao cổ cũng là nguyên nhân khiến dân số loài này sụt giảm.
Hội nghị cũng nhất trí bổ sung thêm 18 loài cá đuối và cá mập, trong đó có cá mập mako, và 3 loài hải sâm vào Phụ lục II; chuyển rái cá vuốt nhỏ và rái cá lông mịn châu Á cùng một số loài động vật khác trong đó có rùa sao Ấn Độ từ Phụ lục II sang Phụ lục I, đồng nghĩa với việc cấm buôn bán các loài này. Sở thích nuôi các loài này làm cảnh là một trong những nguyên nhân khiến dân số của chúng sụt giảm.
Ngoài ra, Hội nghị CITES cũng thông qua việc cấm gần như hoàn toàn việc đưa voi châu Phi sống hoang dã vào các cơ sở nuôi nhốt như vườn bách thú.