Sergei Lavrov - chính khách bận rộn nhất thế giới hiện nay

Nhìn nhận các diễn biến ngoại giao quốc tế một năm trở lại đây liên quan đến tình hình Syria, Iran và nay là Ukraine, chẳng mấy khó để nhận ra ai là vị chính khách “bận rộn” nhất thế giới: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Tâm hồn thi sĩ, tố chất thể thao trong con người ngoại giao

Đường quan lộ của ông Lavrov xem ra khá thuận lợi. Lý lịch cá nhân ghi: Ông sinh năm 1950; dân tộc Nga, dù có bố là người gốc Armenia. Tốt nghiệp trung học, Lavrov thi đỗ vào Đại học quan hệ quốc tế (MGIMO), khoa Nghiên cứu châu Á. Sau khi ra trường năm 1972, ông được điều sang làm việc ở Đại sứ quán Liên Xô tại Sri Lanka. Thời gian 1976-1981, Lavrov công tác tại Vụ các Tổ chức Quốc tế/Bộ Ngoại giao.

Từ 1981-1988, ông đảm nhận cương vị Bí thư thứ nhất, cố vấn và cố vấn cao cấp cao trong phái bộ Liên Xô ở Liên hợp quốc. Trong hai năm tiếp theo, Lavrov được rút về làm Vụ trưởng Vụ quan hệ kinh tế quốc tế/Bộ Ngoại giao. Năm 1992, ông được bổ nhiệm là thứ trưởng, đến năm 1994 chuyển sang làm Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, với quãng thời gian 10 năm. Đến năm 2004, Lavorv lên nắm quyền Ngoại trưởng thay thế Igor Ivanov.

Sergei Lavrov - vị chính khách bận rộn nhất thế giới. Ảnh: Reuters


Làm thơ là một sở thích của Ngoại trưởng Nga, bài thơ đầu tiên ông viết ngay từ khi còn là sinh viên trên ghế nhà trường. Ông cũng thích đọc sách, với các các tác phẩm yêu thích như “Bắt trẻ đồng xanh” (The Catcher in the Rye) của nhà văn Mỹ J.D. Salinger, và “Nghệ nhân và Margarita” (The Master and Margarita) của Mikhail Bulgakov…

Về tính cách, bạn bè mô tả Lavrov là người rất dễ gần. Ông thích ca hát, chơi ghita, uống rượu whisky. Không giống như nhiều nhân vật trong diện “giới tinh hoa” ở Nga, vị ngoại trưởng này chỉ thích dành kì nghỉ tại những miền sông suối, thay vì đi đến những khu nghỉ dưỡng ngoại giao hạng sang.

Một công việc bận rộn, căng thẳng, đi lại nhiều luôn cần đến sức khỏe. Ngoại trưởng Nga cũng có thừa các tố chất cần thiết. Ông thích môn vượt thác bằng bè, bóng đá, leo núi, săn cá. Yuri Kobaladze, một cựu sĩ quan tình báo, bạn cùng học nói rằng, “Lavrov rất khỏe, có khiếu thế thao. Ông ăn uống tốt, nhưng phom người lúc nào cũng chuẩn. Một phần có lẽ là ông thích làm công việc đốn gỗ, bổ củi. Ngay cả khi sống ở khu dinh thự  ở New York trên cương vị Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, Lavrov vẫn thường yêu cầu người làm vườn để lại vài khúc gỗ để ông đốn”.

Một chính khách mạnh mẽ, vì quốc gia trên hết

Trong công việc, Lavrov được biết đến với phong thái mạnh mẽ và quyết đoán. Hồi 2008, tờ Điện tín (Telegraph) của Anh từng mô tả: Ngoại trưởng Nga tỏ ra rất giận dữ khi điện đàm với đồng cấp người Anh David Miliband. Ông không ngại tuôn ra hàng tràng dài những lời lẽ quát tháo, chỉ trích mà sẽ chẳng bao giờ có thể nghe được trong những cuộc trao đổi ngoại giao thông thường. Một số nhà ngoại giao phương Tây thậm chí đã gán cho Lavrov biệt danh “Ngài nói không”. Chính các “đối thủ” như Hillary Clinton và Condoleezza Rice thừa nhận rằng, ông là người có thể làm người khác “cáu tiết”.

Không nói thì cũng rõ, mặt trận chính yếu của Lavrov là những va chạm, tiếp xúc với Mỹ, với sự khác biệt giữa hai bên. Thế nhưng, chính ông cũng đã mềm hóa nó đi bằng một lối giải thích rất ấn tượng khi so sánh quan hệ Nga - Mỹ với các điều nhạy khác nhau: “Van-xơ, theo đúng định nghĩa, là đi vòng. Vì thế, điệu nhảy này sẽ không cắt nghĩa hết. Đối với tango, nó có đôi bước di chuyển đột ngột. Chúng tôi cũng đã cố thử điệu twist. Với hai bước tiến và một bước lùi thì quả thực nó vẫn tiến lên. Đây là một xu hướng hoàn toàn tích cực”.

Lavrov không bao giờ có lời nói, hành động đi ngược lại quan điểm chính thức của Nga. Một học giả phương Tây đã thừa nhận rằng: “…Nga xem chủ quyền quốc gia là nền tảng, có lợi ích rõ ràng trong việc ngăn cản bất kì một hành động can thiệp đơn phương nào không được sự đồng ý của Hội đồng bảo an LHQ - nơi Nga có quyền biểu quyết. Lavrov rất cứng rắn và cương quyết theo đuổi tiến trình này”.

Những thành tựu ngoại giao của Nga trong vấn đề Syria, Iran, kể cả khủng hoảng Ukraine hiện nay, không thể không kể đến những đóng góp của Ngoại trưởng Lavrov. Abba Eban, cựu Ngoại trưởng Israel, một bậc thầy về ngoại giao quốc tế đã từng nói rằng: “Không nên chỉ đánh giá ngoại giao qua việc nó đạt được điều gì, mà còn phải xem nó giúp tránh được kết cục nào?”. Công việc đó sẽ được nhìn nhận đôi khi bằng những chỉ trích từ đồng nghiệp, đối tác, đối thủ, thậm chí là cả sự phán xét của thế hệ mai sau. Vậy một nhà ngoài giao chuyên nghiệp cần phải hành xử như thế nào? Lavrov đã tìm ra câu trả lời cho riêng mình, với một triết lý được ông mô tả trong một ý văn: “Kiên cường tiến về phía trước để đi tới mục tiêu”.

Trang Facebook của Bộ ngoại giao Nga cuối năm 2013 đăng một bài thơ của Lavrov về “Posolski Prikaz”- tên gọi cơ quan ngoại giao của nước Nga cổ thế kỷ 16-18. Bài thơ ca ngợi các nhà ngoại giao Nga từ nhiều thế kỷ trước đã trung thành phục vụ Tổ quốc, như những “chiến binh” ở xa xứ đã làm hết sức mình, để cho thế giới phải kính trọng nước Nga. Phần kết, Lavrov viết:

“Các sứ giả đã làm tròn sứ mệnh
Và từ đó đến nay, bằng ngôn ngữ của mình
Họ bảo vệ và phụng sự đất nước
Và dạy cho người khác luôn kính trọng nước Nga”

Các học giả quốc tế tin rằng, Lavrov đã ghi được danh tiếng, dấu ấn cá nhân như là một chính khách khả kính, bất chấp việc người ta có thể có chính kiến khác nhau đối với nước Nga.


Hoài Thanh (Tổng hợp)

Ngoại trưởng Lavrov: Cải cách hiến pháp - chìa khóa giải quyết khủng hoảng Ukraine
Ngoại trưởng Lavrov: Cải cách hiến pháp - chìa khóa giải quyết khủng hoảng Ukraine

Chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là cải cách hiến pháp thực sự nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các khu vực của đất nước. Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN