Saudi Arabia tiết lộ điều kiện mới để 'bình thường hóa' quan hệ với Israel

Ngoại trưởng Saudi Arabia cho rằng các cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nhằm vào dân thường ở Gaza là không cần thiết và không thể chấp nhận được.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Saudi Arabia Hoàng tử Faisal bin Farhan. Ảnh: AFP

Theo kênh truyền hình RT, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan cho biết việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu vấn đề nhà nước Palestine được giải quyết.

Hai cường quốc trong khu vực chưa bao giờ thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó Riyadh vốn không công nhận Israel. Năm ngoái, các quan chức Saudi Arabia và Israel đã tổ chức các cuộc đàm phán về khả năng bình thường hóa quan hệ song phương dưới sự hòa giải của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc tấn công vào Israel của nhóm vũ trang Palestine Hamas vào ngày 7/10/2023 và chiến dịch tiếp theo của IDF ở Gaza được cho là đã khiến quá trình này bị đình trệ.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN phát sóng ngày 20/1, khi được hỏi liệu có thể bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel nếu không có một con đường đáng tin cậy dẫn đến một nhà nước Palestine hay không, Ngoại trưởng bin Farhan nhấn mạnh: “Đó là cách duy nhất chúng tôi sẽ nhận được lợi ích. Bởi vì chúng tôi cần sự ổn định và chỉ có được sự ổn định thông qua việc giải quyết vấn đề Palestine”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Saudi Arabia lên án các cuộc tấn công của Israel vào Gaza, nói rằng Riyadh đang tập trung vào việc đảm bảo chấm dứt tình cảnh đổ máu.

“Những gì chúng ta đang thấy là người Israel đang đè bẹp Gaza, dân thường ở Gaza. Điều này là hoàn toàn không cần thiết, hoàn toàn không thể chấp nhận được và phải dừng lại”, Ngoại trưởng bin Farhan nêu rõ.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Y tế Gaza, số người chết trong chiến dịch quân sự của Israel tại vùng đất Palestine đã lên tới 25.105, và 62.681 người khác bị thương. Hồi tháng trước, Liên hợp quốc cho biết 85% dân số Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa, trong khi 60% cơ sở hạ tầng của khu vực này đã bị hư hại hoặc phá hủy.

Cuộc đột kích của nhóm vũ trang Hamas vào Israel năm ngoái khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 240 người khác bị bắt làm con tin. Hơn một nửa trong số họ vẫn bị giam cầm.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ vào tuần trước, Ngoại trưởng bin Farhan cũng cho biết Riyadh chắc chắn sẽ công nhận Israel là một phần của thỏa thuận bao gồm giải pháp hai nhà nước giữa người Israel và người Palestine.

Ngày 18/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã loại trừ khả năng thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền. Ông khẳng định: “Israel phải duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với toàn bộ lãnh thổ phía Tây sông Jordan”. Ông nhấn mạnh đất nước sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ngoại trừ chiến thắng tuyệt đối ở Gaza.

Trong hiệp định Oslo được ký năm 1993, Israel và Palestine nhất trí với giải pháp "hai nhà nước", trong đó hai bên công nhận quyền tồn tại của nhau. Tuy nhiên, quá trình đàm phán thực hiện hiệp định đình trệ kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở Dải Gaza năm 2007. Xung đột lên đến đỉnh điểm với cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10/2023 và chiến dịch đáp trả vào Dải Gaza sau đó của quân đội Israel.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo RT)
EU xem xét hậu quả khi Israel từ chối tư cách nhà nước của Palestine
EU xem xét hậu quả khi Israel từ chối tư cách nhà nước của Palestine

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp tại Brussels ngày 22/1 để thảo luận về hậu quả có thể xảy ra với Israel nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn từ chối tư cách nhà nước của Palestine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN