Đây được coi là một phần nỗ lực của quốc gia Vùng Vịnh này trong công tác ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra.
Theo đài Sputnik, Saudi Arabia cũng đã ban bố lệnh phong tỏa tạm thời tỉnh Qatif từ ngày 8/3, khi phần lớn trong 15 số ca nhiễm COVID-19 được phát hiện tại đây. Trước đó, hãng tin Reuters cho hay một cá nhân bị nhiễm COVID-19 tại Qatif đã không khai báo cho giới chức Saudi Arabia thông tin họ từng tới Iran và Iraq trước khi được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Không chỉ vậy, một vài trong số nhiễm bệnh tại Saudi Arabia cũng tiếp xúc với người đến từ Iraq, Iran. Hiện theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm COVID-19 tại Iran và Iraq lần lượt là trên 7.000 và 60 ca.
Saudi Arabia cũng đã ngừng việc lưu thông tới 14 quốc gia từ ngày 9/3, bao gồm Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain, Lebanon, Syria, Ai Cập, Iraq, Oman, Italy, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha. Những cá nhân nào đi về từ những nước trên trong 14 ngày trước đó không được phép nhập cảnh vào Saudi Arabia.
“Tất cả các du khách đến đây bằng các chuyến bay quốc tế phải tuân thủ các chỉ thị y tế địa phương”, công tố viên của Saudi Arabia ra tuyên bố ngày 9/3.
Cùng ngày, Quốc vương Salman của Saudi Arabia cam kết hỗ trợ 10 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nỗ lực giúp ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu.
Saudi Arabia không phải là quốc gia đầu tiên phạt nặng những người khai man y tế, về hành trình di chuyển hay chống cự quy định cách ly bắt buộc. Mới đây, nhà chức trách y tế Thái Lan đã yêu cầu một nhóm khoảng 80 lao động vừa trở về từ Hàn Quốc nhưng trốn quy trình sàng lọc tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ngày 7/3 phải ra trình diện trong vòng 3 ngày, nếu không sẽ bị truy tố theo Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm, có thể phải đối mặt án tù 1 năm và mức phạt lên tới 200.000 baht (6.330 USD).
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng tuyên bố phạt hơn 8.000 USD với người nhiễm COVID-19 che giấu lịch sử di chuyển. "Chính phủ có thể áp dụng hình phạt tới 10 triệu won (8.300 USD) với những bệnh nhân không khai báo trung thực về lịch sử di chuyển, nơi lưu trú và các thông tin quan trọng với giới chức y tế", Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip ngày 9/3 phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Seoul.
Trước đó, vào cuối tháng Hai, hai vợ chồng người Trung Quốc đã bị đưa ra tòa án Singapore xét xử với tội danh vi phạm Đạo luật Bệnh truyền nhiễm do khai báo sai lịch trình di chuyển trước đó với Bộ Y tế và cản trở công tác theo dõi dấu vết bệnh dịch. Trong một thông cáo báo chí ngày 26/2, Bộ Y tế Singapore cho biết ông Hu Jun (38 tuổi, công dân Vũ Hán, Trung Quốc) cùng vợ là bà Shi Sha (36 tuổi, công dân Singapore) ngày 25/2 đã bị buộc tội do khai báo sai lệch lịch trình di chuyển.
Người đàn ông này đã tới Singapore vào ngày 22/1 và được xác nhận bị nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra vào 31/1. Người vợ Shi cũng được khoanh vùng là đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh và đã bị cách ly từ ngày 1/2. Cá nhân bị kết tội vi phạm Đạo luật Bệnh Truyền nhiễm ở Singapore có thể chịu mức phạt hành chính lên tới 10.000 đôla Singapore (166 triệu đồng) một người hoặc 6 tháng tù giam, hoặc chịu cả hai hình phạt.
Tính tới 6h ngày 10/3, có 114.276 người đã nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) và 4.009 người tử vong trên toàn thế giới. Số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục tăng cao tại Italy, Iran, Pháp, Tây Ban Nha trong khi dịch đang dịu đi tại Hàn Quốc và đã được kiểm soát tại Trung Quốc.
Theo số liệu từ trang web cập nhật trực tiếp dữ liệu toàn cầu Worldometers, dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã tấn công 112 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong số trên 114.200 người nhiễm bệnh thì trên 62.800 người đã hồi phục, 47.392 người đang được điều trị.