Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại một hội nghị ở Riyadh ngày 24/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giới quan sát cho rằng đây là nền tảng chuẩn bị cho những bước chuyển mang tính bước ngoặt vào năm trong năm 2018 của đất nước vùng Vịnh này.
Hồi tháng 9 vừa qua, Saudi Arabia bất ngờ thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe, trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới cho phép nữ giới ngồi sau vô-lăng. Đây là một thay đổi lớn đối với Saudi Arabia, nơi nữ giới phải dựa vào các chuyến xe đắt đỏ hoặc người thân là nam giới để đi làm, đi học hay thăm hỏi lẫn nhau. Bắt đầu từ năm 2018, phụ nữ Saudi Arabia cũng sẽ được phép đến xem các trận đấu thể thao tại các sân vận động quốc gia.
Lĩnh vực giải trí của Saudi Arabia đang hứa hẹn hơn bao giờ hết. Sau hơn 35 năm, các rạp chiếu phim đã được phép quay trở lại quốc gia Arab này kể từ khi bị đóng cửa đồng loạt vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều người thuộc giới tăng lữ Saudi Arabia coi phim ảnh phương Tây, và thậm chí cả các bộ phim Arab, là những sản phẩm văn hóa không lành mạnh. Người dân Saudi Arabia có thể xem phim trực tuyến hoặc chương trình truyền hình vệ tinh, nhưng nếu muốn đến rạp, họ phải "cất công" tới các nước láng giềng như Bahrain hay Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các rạp đầu tiên được hy vọng sẽ mở cửa đón người xem vào tháng 3/2018.
Trong năm 2017, Saudi Arabia đã đón nghệ sĩ nhạc rap người Mỹ Nelly và 2 ngôi sao của loạt phim truyền hình đình đám "Games of Thrones" (Trò chơi Vương quyền) lần đầu tiên tới vương quốc Hồi giáo này. Ngôi sao điện ảnh John Travolta cũng có chuyến thăm tới đây để gặp gỡ người hâm mộ và nói chuyện về ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.
Saudi Arabia cũng tổ chức 2 lễ hội truyện tranh tại các thành phố lớn, chứng kiến hàng nghìn người hâm mộ tới tham dự trong trang phục của những nhân vật siêu anh hùng. Đây là sự khác biệt lớn so với chỉ vài năm trước, khi những cảnh sát tôn giáo Muttawa sẽ không cho phép phụ nữ sơn móng tay được bước vào các trung tâm mua sắm hay cấm các nhà hàng bật nhạc.
Trong lĩnh vực đối ngoại, sự kiện đáng chú ý nhất trong năm qua đối với Riyadh là của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông lựa chọn Saudi Arabia là điểm đến công du nước ngoài đầu tiên trên cương ông chủ Nhà Trắng. Chuyến thăm đánh dấu sự nồng ấm trở lại của mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia vốn có phần nguội lạnh dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama theo đuổi thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Điểm nhấn của chuyến thăm là một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo-Arab, nơi Tổng thống Trump có bài phát biểu trước các lãnh đạo của thế giới Hồi giáo.
Năm 2017 cũng chứng kiến Saudi Arabi có người thừa kế chính thức khi Hoàng tử trẻ tuổi Mohammed bin Salman được lựa chọn cho vị trí hoàng thái tử. Vài tháng sau tuyên bố trên, Hoàng thái tử Salman đã khởi động một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn chưa từng có, bắt giữ 11 hoàng thân và hàng chục cựu bộ trưởng. Giới quan sát cho rằng Hoàng thái tử Salman có thể đăng quang trong năm tới nếu Quốc vương Salman thoái vị và sự lên ngôi của nhà vua trẻ sẽ mở đường cho hàng loạt những thay đổi và cải cách táo bạo.
Quan hệ giữa Riyadh với các nước trong khu vực lại có một năm nhiều ghập ghềnh. Saudi Arabia cùng 3 nước vùng Vịnh rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar. Saudi Arabia, cùng Bahrain, Ai Cập và UAE, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời phong tỏa các tuyến vận tải đường không, đường biển và đường bộ với Doha. Riyadh cũng được cho là có liên quan tới ý định từ chức gây tranh cãi của Thủ tướng Liban làm leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương, khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đứng ra hòa giải.