Đường biên giới phía Qatar giáp với Saudi Arabia ngày 27/6/2017. Ảnh: AFP/Getty Images |
Theo báo Saudi Sabq, con kênh này sẽ khiến bờ biển phía Đông của Saudi Arabia tiếp tục kéo dài, phục vụ cho mục đích du lịch và thương mại, đem lại “làn gió mới” cho khu vực.
5 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, cùng hai cảng mới sẽ được xây dựng dọc theo công trình này. Theo thiết kế dự án, con kênh này rộng 200m, sâu 15-20 m, có thể nhận mọi loại tàu chở khách và tàu chở hàng. Ngân sách dự tính ban đầu chi cho dự án rơi vào khoảng 750 triệu USD và chỉ cần 12 tháng là hoàn thành.
Báo trên nhấn mạnh con kênh về mặt pháp lý sẽ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Saudi Arabia. Dải biên giới mà Saudi Arabia lên kế hoạch xây dựng là dải biên giới trên đất liền duy nhất của Qatar là nối với quốc gia láng giềng phía Nam. Chính vì vậy, con kênh mới trải dài từ Salwa tới vùng Khawr al-Udayd được cho là sẽ chấm dứt hoạt động giao thương đất liền với Qatar và cho phép hoạt động hàng hải vào thẳng Saudi Arabia.
Với khả năng sử dụng được các tàu cỡ lớn chở container, Saudi Arabia tham vọng biến dự án kênh này thành một đầu mối kinh tế và công nghiệp phát triển. Không chỉ có vậy, Saudi Arabia còn xây dựng một vùng quân sự trải dài 1 km chạy dọc biên giới Qatar.
Bước đi này được tiến hành trong bối cảnh quan hệ giữa Qatar và các nước còn lại trong khu vực căng thẳng kéo dài. Vào tháng 6 năm ngoái, Saudi Arabia cùng với các quốc gia đồng minh khu vực, bao gồm UAE, Bahrain và Ai Cập – đã cắt quan hệ ngoại giao, ngừng mọi hoạt động giao thương với Qatar.
Phần lớn các nhà phân tích nhìn nhận công trình kênh nằm trong dự án tuyên truyền của Riyahd, do chiến dịch truyền thông nhằm vào Qatar năm ngoái không thành công. Dự án con kênh mới được cho là một nỗ lực nhằm thắt chặt việc phong tỏa Qatar. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định việc vẽ lại bản đồ địa lí Bán đảo Arập với mục đích “tẩy chay” Qatar sẽ bị coi là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Phản ứng trước cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay, Qatar khẳng định yêu cầu, bao gồm việc đóng cửa các hãng truyền thông như Al Jazeera và The New Arab, mà liên minh gửi tới Doha là không khả thi. Doha kêu gọi đối thoại để chấm dứt khủng hoảng, song hoàn toàn bị Saudi Arabia và các nước đồng minh bác bỏ.