Cảnh sát Saudi Arabia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Đây là một cuộc biểu tình hiếm thấy nhằm phản đối các
biện pháp khắc khổ như ngừng thanh toán hóa đơn dịch vụ của các hoàng
thân này.
Mạng tin sabq.org cho biết các hoàng thân đã tụ tập tại Qasr
a-Hokm, một cung điện hoàng gia lịch sử, yêu cầu hủy bỏ sắc lệnh về chấm
dứt chi trả các hóa đơn điện và nước cho các thành viên hoàng gia.
Ngoài ra, các hoàng thân cũng đề nghị bồi thường cho bản án tử hình đối
với một người thân.
Sabq dẫn lời những nguồn tin nêu rõ: "Họ được thông báo rằng những
đòi hỏi của họ là sai song họ không chịu rời khỏi Qasr al-Hokm. Một sắc
lệnh hoàng gia được đưa ra yêu cầu các cảnh vệ can thiệp và những hoàng
thân đã bị bắt giam tại cơ sở al-Hayer để chuẩn bị đưa họ ra xét xử".
Trang mạng nói thêm: "Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và
bất cứ ai không thực thi những quy định và chỉ dẫn sẽ phải chịu trách
nhiệm".
Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, trước
đó đã giới thiệu những cải cách, bao gồm cắt các khoản trợ cấp, áp dụng
thuế giá trị gia tăng và cắt bổng lộc của các thành viên hoàng gia để cố
gắng đối phó với việc giá dầu thô sụt giảm khiến ngân sách của vương
quốc này ước tính thâm hụt khoảng 195 tỷ riyal (tương đương 52 tỷ USD)
trong năm 2018.
Thâm hụt ngân sách của Riyadh đã lên đến 260 tỷ USD
trong vòng 4 năm qua và dự báo sẽ chưa thể cân bằng thu chi cho đến
trước năm 2023. Nhằm giảm khoản nợ công đang gia tăng của mình, Riyadh
đã rút khoảng 250 tỷ USD từ các quỹ dự trữ trong suốt 4 năm qua, giảm
tổng quỹ dự trữ của nước này xuống 490 tỷ USD. Ngoài ra, Riyadh cũng vay
khoảng 100 tỷ USD từ các thị trường quốc tế và nội địa.
Trong một biện pháp mạnh tay, ngày 1/1, Saudi Arabia đã cùng Các
Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chính thức áp dụng thuế giá trị
gia tăng (VAT) lần đầu tiên trong lịch sử hai quốc gia giàu có
này.
Theo giới phân tích, những khoản thuế mới này sẽ giúp 2 quốc gia
vùng Vịnh thu được thêm 21 tỷ USD trong năm 2018, tương đương với 2%
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng
việc này sẽ ảnh hưởng đến ngành kinh doanh mua sắm nước này, vốn nổi
tiếng với các trung tâm thương mại miễn thuế.
Các chuyên gia nhận định ngoài nguồn thu giảm do giá dầu mỏ "lao
dốc", chiến dịch quân sự tại Yemen mà Saudi Arabia đứng đầu cũng đang
khiến nước này và các đồng minh tổn thất to lớn về tài chính. Chi tiêu
quân sự của Riyahd đã vượt quá 81 tỷ USD, đưa vương quốc dầu mỏ này trở
thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.