Theo kênh CNN ngày 16/3, các ngân hàng Bank of America, Wells Fargo và Citigroup đều có lượng tiền gửi tăng đáng kể từ khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) gặp rắc rối vào tuần trước.
Các ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực đã bị khách hàng rút tiền gửi, mặc dù một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói với CNN vào đầu tuần này rằng động thái rút tiền của khách hàng đã giảm bớt.
Tình hình rất dễ thay đổi và không rõ có bao nhiêu tiền đã được gửi vào các ngân hàng lớn, mặc dù số tiền có thể lên tới hàng tỷ USD.
Chỉ riêng ngày 9/3, các khách hàng đã rút 42 tỷ USD từ SVB, khiến ngân hàng này cạn tiền mặt. Đến ngày 10/3, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản ngân hàng SVB, khiến nó trở thành vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.
Trong tuần qua, ngân hàng Citi đã tăng tốc độ mở tài khoản trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp nhỏ và quản lý tài sản.
Theo báo cáo của Bloomberg News, Bank of America đã thu hút được hơn 15 tỷ USD tiền gửi mới chỉ trong vòng vài ngày.
Các ngân hàng thường không tiết lộ chi tiết cụ thể về những thay đổi ngắn hạn trong tiền gửi, mà chọn công bố những số liệu này hàng quý.
Các ngân hàng lớn được coi là an toàn hơn vì bảng cân đối kế toán lớn hơn. Hơn nữa, các ngân hàng lớn ở Mỹ có vai trò là các tổ chức quan trọng mang tính hệ thống, cho thấy chính phủ sẽ ra tay giải cứu trong trường hợp gặp rắc rối, như điều giới chức Mỹ đã làm trong năm 2008.
Tuy nhiên, FDIC bảo hiểm tiền gửi lên tới 250.000 USD cho mỗi người gửi, bất kể tài khoản của họ ở ngân hàng nhỏ, vừa hay lớn.
Các nhà phân tích cho rằng quyết định giải cứu những người gửi tiền không được bảo hiểm tại SVB và Signature Bank của FDIC cho thấy các cơ quan quản lý sẽ buộc phải làm điều tương tự nếu một ngân hàng khác sụp đổ.
Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng của toàn bộ hệ thống ngân hàng ở Mỹ xuống mức tiêu cực sau những bất ổn mà hệ thống này trải qua trong những ngày gần đây.
Trong báo cáo công bố ngày 13/3, dịch vụ các nhà đầu tư của Moody’s thông báo hạ mức đánh giá triển vọng với hệ thống ngân hàng Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực.
Theo Moody's, quyết định này phản ánh đúng mức độ suy thoái nhanh chóng trong môi trường hoạt động của ngành ngân hàng Mỹ sau khi xảy ra tình trạng rút tiền ồ ạt khỏi 3 ngân hàng lớn bao gồm SVB, Silvergate Bank và Signature Bank cũng như việc SVB và Signature Bank tuyên bố đóng cửa.
Mặc dù giới chức Mỹ đã vào cuộc để củng cố mảng tiền gửi tại SVB và Signature Bank nhằm khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng, nhưng Moody’s cho rằng các ngân hàng khác trong toàn hệ thống vẫn có thể chịu rủi ro. Trong đó, Moody's đề cập các ngân hàng có thể chịu tổn thất đáng kể nhưng chưa được tính toán đầy đủ từ danh mục đầu tư chứng khoán.
Cùng với đó, các ngân hàng có khách hàng Mỹ gửi tiền, không phải là khách hàng cá nhân và không thuộc diện bảo hiểm, có thể vẫn nhạy cảm với sự cạnh tranh trên thị trường tiền gửi - với những tác động bất lợi về nguồn vốn, thanh khoản, thu nhập và vốn.
Giải thích về nhận định này, Moody's nêu rõ việc áp dụng các biện pháp kích thích tài chính liên quan đến đại dịch COVID-19, quãng thời gian duy trì lãi suất siêu thấp kéo dài hơn một thập kỷ và chính sách nới lỏng định lượng đã dẫn đến lượng tiền gửi dư thừa đáng kể trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ.
Điều này đã làm nảy sinh những thách thức về quản lý tài sản và nợ, trong đó một số ngân hàng đã dùng tiền gửi dư thừa để đầu tư vào các loại chứng khoán lãi suất cố định, dài hạn hơn vốn ngày càng mất giá trị khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng mạnh lãi suất.
Đây chính là những khoản lỗ lớn chưa được tính toán đến từ các danh mục đầu tư chứng khoán sẵn sàng để bán và chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn của các ngân hàng.
Theo Moody’s, ngành ngân hàng ở Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực này nếu FED duy trì biện pháp tăng lãi suất để chống lạm phát. Bên cạnh đó, Moody's còn dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, chồng thêm áp lực cho ngành ngân hàng.
Giới chức quản lý Mỹ đã đóng cửa ngân hàng SVB vào cuối tuần trước sau khi ngân hàng này báo cáo khoản lỗ lớn từ việc bán chứng khoán dẫn đến tình trạng rút tiền gửi ồ ạt từ ngân hàng.
Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ và chỉ sau đó 2 ngày, ngân hàng Signature - chuyên cung cấp các khoản vay cho lĩnh vực tiền điện tử - cũng đóng cửa.
Cả hai vụ sụp đổ xảy ra chỉ vài ngày sau khi có tin Silvergate Bank, một công ty cho vay khác của lĩnh tiền điện tử, sẽ ngừng hoạt động. Ngày 12/3, FED đã công bố một chương trình cho vay khẩn cấp mới để "tăng lực" cho hệ thống ngân hàng tại Mỹ.