Giới chức Hy Lạp ngay từ đầu đã xác định vụ cháy thiêu hủy trại Moria là hành động cố ý. Theo lực lượng chức năng Hy Lạp, một số người di cư bị cách ly sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 có thể là thủ phạm phóng hỏa trại Moria.
Các đối tượng bị đưa ra tòa trong ngày 16/9 đều ở độ tuổi từ 20 trở xuống, trong đó có 2 đối tượng mới 17 tuổi.
Theo Ủy viên Nội vụ của EU Ylva Johansson, các đội cứu hộ trên đảo Lesbos đang gấp rút dựng một trại tị nạn khác để làm chỗ ở cho khoảng 9.000 người.
Hàng nghìn người tị nạn đã phải ngủ vạ vật trên đường phố trong tuần qua trong tình trạng thiếu lương thực và không có cơ sở vệ sinh cho các gia đình có cả người cao tuồi và trẻ sơ sinh. Nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trên đảo Lesbos còn khiến việc giải quyết nơi cư trú cho người tị nạn càng thêm cấp bách. Theo nhà chức trách Hy Lạp, đã có 25 người tị nạn tại trại Moria mắc bệnh COVID-19.
Trại Moria được xây dựng tạm cho khoảng 3.000 người, song thực tế có tới trên 12.000 người tị nạn cư trú.
Hiện Đức thông báo sẽ tiếp nhận hơn 1.500 người tị nạn và 150 trẻ vị thành viên không có người thân sống trên đảo Lesbos.
Pháp cũng đồng ý nhận 150 trẻ vị thành niên từ trại Moria trong khi các nước EU khác cam kết nhận tổng cộng 100 người khác từ trại Moria.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, đang bay tới đảo Lesbos sau cuộc gặp Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Athens, đã kêu gọi các nước EU cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.
Việc chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người di cư trong nội khối EU vẫn là vấn đề nhạy cảm kể từ khi làn sóng người tị nạn với hơn 1 triệu người tìm đường sang châu Âu bùng phát cách đây 5 năm. Sự phản đối từ các nước Ba Lan, Hungary, CH Séc và Slovakia đối với việc tiếp nhận người di cư được xem là rào cản lớn trong nỗ lực cải cách chính sách tị nạn và nhập cư của EU.