Ngày 7/7, Nhà Trắng tuyên bố đã bắt đầu tiến trình chính thức rút Mỹ khỏi WHO và thông báo đã được gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp Quốc (LHQ).
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, xác nhận thông báo của Mỹ, đồng thời cho biết rằng, dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có 1 năm để hoàn tất quá trình rút cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.
Quyết định của Tổng thống Trump đã vấp phải sự chỉ trích của các chuyên gia y tế.
Trong một bài luận trên tạp chí Foreign Policy, Tiến sĩ Matthew M. Kavanagh chuyên về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Georgetown đồng thời làm Giám đốc Viện Chính sách Sức khỏe Toàn cầu O’Neill, chỉ ra những lý do vì sao Mỹ cần WHO.
Cụ thể, WHO đóng một vai trò không thể thay thế được trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã đầu tư rất nhiều cho sáng kiến hình thành một hệ thống giám sát dịch bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, nếu như chỉ tìm thông tin trên Internet và mạng xã hội thì hệ thống đó sẽ không đủ dữ liệu. Muốn hoàn thiện hệ thống cần dữ liệu chính xác từ chính phủ các nước để bổ sung và từ đó mới có những biện pháp phản ứng hiệu quả. Song không phải nước nào cũng sẵn sàng công khai số liệu dịch bệnh của mình.
Đến bước này, CDC phải phụ thuộc vào WHO làm trung gian để nhận dữ liệu chia sẻ - từ dữ liệu bệnh dịch để chuẩn bị cho hệ thống y tế cho đến trình tự mã gien virus để phục vụ cho xét nghiệm. Mỗi ngày, các nhà khoa học thuộc các cơ quan y tế Mỹ vẫn hợp tác chặt với WHO. Nhờ là một phần của phái đoàn WHO, các nhà khoa học Mỹ thậm chí mới có thể tiếp cận tâm dịch Vũ Hán ở Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang do mâu thuẫn trong nhiều vấn đề.
Giúp khống chế bệnh dịch trước khi bùng phát cũng là một trong những chiến lược an ninh y tế toàn cầu của Mỹ và WHO là một đối tác quan trọng.
Tại Mỹ có đến 83 trung tâm khác nhau hợp tác với WHO – trong đó gồm các viện nghiên cứu, đại học và cơ quan chính phủ Mỹ. Trên 20 trong số 83 đơn vị này là các cơ sở thuộc CDC và Viện Y tế Quốc gia. Các nhà nghiên cứu tại đây tập trung vào các lĩnh vực mà Quốc hội xác định là ưu tiên hàng đầu, từ an toàn sinh học đến các bệnh như ung thư, đậu mùa.
Các trung tâm này cũng tham gia vào quá trình phát triển vắc-xin cúm. Nếu Mỹ rút khỏi WHO, điều này có thể làm gián đoạn các nỗ lực ngăn chặn dịch cúm nguy hiểm trong mùa đông này, khiến nỗi đe dọa dịch bệnh lên gấp đôi khi Mỹ còn chật vật đối phó với COVID-19.
Vắc-xin cúm mùa không phải là vấn đề duy nhất mà Mỹ lo lắng. WHO đang nỗ lực cùng các nước để phát triển một loại vắc-xin ngừa COVID-19 nhằm mở cửa trở lại xã hội và khôi phục các nền kinh tế một cách an toàn.
Nếu có bất kỳ nước nào phát triển được một loại vắc-xin hiệu quả và Mỹ không phải là một phần của các khuôn khổ được đàm phán thông qua WHO, thì người dân Mỹ sẽ chịu thiệt trong tình huống này, khi cơ hội tiếp cận vắc-xin bị đẩy lui lại sau.