Vụ tấn công đáng ngờ
Các quốc gia NATO đang nỗ lực tăng cường an ninh của hệ thống đường ống và cáp thông tin liên lạc dưới biển, sau sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream hồi đầu tuần này. Trước đó, hôm 27/9, giới chức Đan Mạch đã phát hiện vết rò rỉ trên đường ống dẫn khí của Nga gần đảo Bornholm ở biển Baltic, sau khi nhà điều hành đường ống thông báo đường ống đã giảm áp suất đột ngột. Giới chức Thụy Điển và Đan Mạch sau đó cho biết họ đã ghi nhận hàng loạt vụ nổ dưới nước.
Giới chức Nga, Mỹ và phương Tây đều nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến sự cố này do một cuộc tấn công có chủ đích. Do các vụ tấn công dưới nước khó phát hiện hơn các cuộc tấn công dễ thấy trên mặt đất và trên không, giới chức chưa thể xác nhận nghi phạm trong vụ việc.
Vụ tấn công đáng ngờ đang làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của các cơ sở hạ tầng quan trọng dưới đáy biển, nhưng được bảo vệ yếu kém. Giới chuyên gia nhận định điều này có nguy cơ gây hậu quả thảm khốc tiềm tàng cho nền kinh tế toàn cầu.
Các chính trị gia phương Tây cho rằng nhà sản xuất khí đốt Nga dường như có lợi nhất từ việc tăng giá khí đốt khi đường ống này gặp sự cố để trả đũa châu Âu. Song người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố cáo buộc trên là hoàn toàn “vô lý”. Theo ông Peskov, Nga chịu thiệt hại lớn từ sự cố khẩn cấp này và 50% lượng khí rò rỉ này vốn đã được lên kế hoạch cung cấp cho thị trường trong nước.
Hệ thống dây cáp, đường ống mong manh dưới đại dương
Các đường ống khí đốt gặp sự cố chỉ là một phần của mạng lưới đường ống và dây cáp dày đặc dưới biến toàn cầu. Đây là mạng lưới quan trọng giúp kinh tế hóa nguồn năng lượng, sưởi ấm cho các gia đình trong mùa đông lạnh giá và kết nối hàng tỷ người trên thế giới.
Theo TeleGeography, hơn 1,3 triệu km cáp quang – đủ để trải dài từ Trái Đất đến Mặt Trăng và ngược lại – cung cấp tới 97% hệ thống thông tin liên lạc cho toàn thế giới, với hàng nghìn tỷ USD giao dịch tài chính được vận chuyển qua chúng mỗi ngày. Nếu không có những tuyến cáp này, cuộc sống hiện đại có thể đột ngột “đóng băng”, các nền kinh tế sẽ sụp đổ, các chính phủ và quân đội sẽ gặp khó khăn trong việc liên lạc với nhau, nhà lập pháp Anh Rishi Sunak cảnh báo trong một báo cáo năm 2017.
Sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream mới đây đã phơi bày những lỗ hổng của hệ thống cơ sở hạ tầng dưới đáy biển. Vụ việc này đã nêu bật khả năng không thể phát hiện khí thoát ra ngoài đường ống. Hơn nữa, với mực nước tương đối nông, giao thương hàng hải diễn ra tấp nập, và còn nhiều quả bom chưa nổ còn sót lại từ hai cuộc chiến tranh thế giới, việc vượt qua vùng biển này để không bị phát hiện là một thách thức lớn.
Ngay cả Điện Kremlin cũng đồng ý rằng sự cố này dường như không thể được thực hiện bởi những người nghiệp dư. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Vụ rò rỉ này giống như cuộc tấn công khủng bố, có khả năng được tiến hành ở cấp nhà nước”.
Hàng chục sự cố đứt cáp thông tin liên lạc dưới biển mỗi năm, thường do tàu cá và tàu neo gây ra, là minh chứng cho sự mong manh của hệ thống đường ống của phương Tây. Theo báo cáo của ông Sunak, vị trí nằm dưới biển sâu của những đường ống này không phải là bí mật, chúng không được luật pháp quốc tế bảo vệ chặt chẽ và không cần chuyên môn hay nguồn lực lớn để thực hiện âm mưu phá hoại.
Ông Torben Ørting Jørgensen, Đô đốc Hải quân Đan Mạch đã về hưu bình luận: “Cơ sở hạ tầng của chúng ta rất mong manh. Vụ rò rỉ khí ở biển Baltic đã buộc chúng ta chú ý đến những lỗ hổng trong hệ thống cáp Internet, dây cáp điện và cả đường ống khí đốt”.
Bên cạnh đó, sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia trong liên minh quân sự NATO đã thu hẹp lực lượng tác chiến chống tàu ngầm, cắt giảm ngân sách quốc phòng và nhận định các mối đe dọa giảm dần.
Giải pháp của châu Âu
Sau sự cố Nord Stream, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre chỉ thị tăng cường quân đội và cảnh sát tuần tra tại các giàn khoan, đường ống dẫn dầu và khí đốt của đất nước. Na Uy là nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu, với gần 9.000 km đường ống trải dài. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng đều có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng tức thì. Sự cố vỡ các đường ống đang hoạt động cũng sẽ dẫn đến thảm họa sinh thái. Na Uy đã yêu cầu các đồng minh NATO giúp đỡ tuần tra cơ sở hạ tầng của họ.
Tham mưu trưởng Hải quân Anh, ông Adm Sir Ben Key, bình luận: “Phản ứng của Na Uy có thể hiểu được. Một lỗ hổng lớn đang tồn tại xung quanh hệ thống đường ống nằm dưới đáy biển, gồm cả đường ống khí đốt và cáp dữ liệu. Điều này đặt ra thách thức cần phải có phương tiện giám sát và cung cấp an ninh xung quanh hệ thống đường ống nằm dưới đại dương”.
Có thể thấy rằng phương Tây rất dễ tổn thương do phụ thuộc lớn vào các tuyến cáp ngầm vận chuyển hơn 90% lưu lượng truy cập Internet trên thế giới. Nếu những tuyến cáp này bị đứt, nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhiều mặt, ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của Nga được lắp đặt trên đất liền nhiều hơn.
Ông Michel Olhagaray, cựu Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự cấp cao của Pháp, cho biết các quốc gia phương Tây đã “tự cho phép mình ngủ quên” và giờ đây họ phải nỗ lực bảo vệ tốt hơn các tuyến cáp và đường ống dưới biển quan trọng.
“Đáy đại dương là một miền quan trọng và rõ ràng quan trọng hơn nhiều so với việc khám phá không gian. Thay vì lên sao Hỏa, chúng ta nên bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới đáy biển tốt hơn”, ông Olhagaray nói.