Theo trang Politico, Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu ngày 4/7 kêu gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz tăng cường hơn nữa sườn phía đông của NATO bằng cách gửi quân đội Đức đến đất nước của ông “sớm” và “lâu dài”.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm có binh lính Đức thường trực trên lãnh thổ Romania", Thủ tướng Ciolacu nói, đề cập đến thông báo của Đức vào tuần trước về việc gửi 4.000 quân thường trực đến Litva (Lithuania). Đề nghị này đưa ra trong buổi họp báo sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Đức và Romania ở Berlin.
Ông Ciolacu nêu lên lo ngại cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo dài và cho biết, khi trả lời câu hỏi về hội nghị thượng đỉnh liên minh quân sự NATO ở Vilnius trong hai tuần nữa, ông tin tưởng chính phủ Đức sẽ triển khai thêm quân đến phía đông của khối.
Sau đó, nhà lãnh đạo Romania nói thêm: “Tôi hy vọng rằng cùng với thủ tướng Đức, chúng tôi có thể đưa ra quyết định về vấn đề này càng sớm càng tốt.”
Thủ tướng Đức Scholz đã không phản ứng ngay lập tức với yêu cầu của Romania. Việc ông Ciolacu nêu yêu cầu một cách công khai dường như gây bất ngờ cho Thủ tướng Đức, vốn chưa từng thông báo về kế hoạch gửi quân đến Romania.
NATO đã đồn trú quân đội của nhiều quốc gia trong đó có Pháp ở Romania, đất nước có biên giới trực tiếp với Ukraine. Chính phủ Mỹ từng nói rằng họ sẽ duy trì quân đội của họ ở Romania cho đến ít nhất là mùa thu năm nay.
Cả hai nhà lãnh đạo Romania và Đức đều tỏ ra bi quan về khả năng cuộc xung đột ở Ukraine sớm kết thúc. Ông Ciolacu nói: “Chúng tôi có lẽ đã mong đợi cuộc xung đột kết thúc bằng cuộc phản công của Ukraine. Nhưng đáng tiếc, dữ liệu sẵn có công khai không cho chúng tôi nhiều sự chắc chắn về điều đó.”
Trong khi đó, Thủ tướng Scholz nói rằng, không thể mong đợi phía Ukraine sẽ đạt được những bước tiến nhanh chóng trong ngày một ngày hai. Ông nói: "Thời điểm đạt được bước đột phá lớn không nên đến quá nhanh."
Thủ tướng Đức cũng tìm cách làm giảm hy vọng của Ukraine về việc có được một viễn cảnh rõ ràng về tư cách thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius, thay vào đó hội nghị sẽ tập trung vào “hợp tác sâu sắc hơn” với Kiev thông qua “một hội đồng chung”.
“Chắc chắn, chúng tôi cũng sẽ thảo luận về câu hỏi làm thế nào để giải quyết hơn nữa quan điểm của các quốc gia hướng tới NATO và muốn gia nhập tổ chức này", ông Scholz nói và bổ sung: “Nhưng rõ ràng là không ai có thể trở thành thành viên của một liên minh phòng thủ khi đang trong một cuộc chiến".
Trước đó, hôm 26/6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thông báo Berlin sẽ triển khai 4.000 binh sĩ tới Litva, một thành viên NATO, trong bối cảnh khối này tìm cách củng cố lực lượng xung quanh vùng lãnh thổ tách rời của Nga ở biển Baltic, Kaliningrad.
"Đức sẵn sàng đồn trú lâu dài một lữ đoàn ở Litva", ông Pistorius cho biết trong chuyến thăm thủ đô Vilnius. Ông lưu ý rằng các phương tiện và cơ sở hạ tầng sẽ cần được phát triển để có thể lưu trú hàng nghìn quân nhân Đức.
"Đức giữ vững cam kết với tư cách là thành viên NATO, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nhằm đứng lên bảo vệ sườn phía đông của liên minh", ông Pistorius nhấn mạnh. Vị bộ trưởng Đức cũng giải thích rằng việc triển khai quân phải tương thích với các kế hoạch được vạch ra gần đây của NATO về cách đối phó với các mối đe dọa ở phía đông.
Litva đã nhiều lần kêu gọi Berlin triển khai thêm quân trên lãnh thổ của mình, nơi có chung biên giới với Kaliningrad ở phía tây nam và Belarus ở phía đông.