Rò rỉ tài liệu nội bộ tố cáo Taliban đánh đập nhân viên Liên hợp quốc

Hàng loạt báo cáo cho thấy nhân viên Liên Hợp quốc đã Taliban đe dọa, thậm chí đánh đập, động thái trái ngược hoàn toàn với cam kết của lực lượng này khi lên nắm quyền là không trả thù người có liên quan đến các lực lượng nước ngoài.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (trái) đến dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Afghanistan tại Liên hợp quốc ở Thành phố New York, Mỹ ngày 16/8. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), một nhân viên của Liên hợp quốc tại Afghanistan đã bị Taliban chặn lại khi người này đang tìm cách đến sân bay Kabul vào hôm 22/8. Lực lượng này đã khám xét phương tiện, tìm được giấy tờ tuỳ thân có liên quan đến Liên hợp quốc và đánh đập anh.

Hôm 23/8, ba người đàn ông không rõ danh tính đã đến nhà của một nhân viên Liên hợp quốc khác. Người này lúc đó đang đi làm nên không ở nhà. Họ hỏi con trai anh rằng bố cậu bé đang đâu, họ buộc tội cậu bé nói dối và cho biết: “Chúng tôi biết ông ta đang ở đâu và làm những gì”.

Đây chỉ 2 trong số hàng chục vụ việc được thu thập trong một tài liệu an ninh nội bộ của Liên hợp quốc mà Reuters tiếp cận được. Tài liệu tiết lộ những vụ đe dọa, cướp bóc tại văn phòng của Liên hợp quốc và tấn công nhân viên của tổ chức này kể từ ngày 10/8, trước khi Taliban lên nắm quyền.

Trong khi phong trào chiến binh Hồi giáo này đang tìm cách trấn an người Afghanistan và các cường quốc phương Tây rằng họ sẽ tôn trọng nhân quyền của người dân, nhiều báo cáo về các vụ trả đũa gần đây đã làm suy yếu lòng tin, đặc biệt là ở những người có liên quan đến các tổ chức nước ngoài.

Taliban không trả lời yêu cầu bình luận về vụ việc liên quan đến Liên Hợp quốc.

Lực lượng này cho biết họ sẽ điều tra các vụ tấn công được báo cáo và đã khuyến khích các tổ chức viện trợ tiếp tục công việc của họ. Vào tuần này, Taliban nói rằng họ hoan nghênh viện trợ nhân đạo, miễn là điều đó không được sử dụng như một phương tiện gây ảnh hưởng chính trị đối với Afghanistan.

Chú thích ảnh
Người tị nạn Afghanistan đi bộ lên xe buýt đưa họ đến trung tâm xử lý người tị nạn khi đến Sân bay Quốc tế Dulles ở Dulles, Virginia ngày 25/8. Ảnh: Reuters

Liên hợp Quốc cho biết họ không bình luận gì về các tài liệu an ninh bị rò rỉ. Người phát ngôn của tổ chức này, ông Stephane Dujarric tuyên bố: “Giới chức phụ trách ở Kabul cần chịu trách nhiệm về sự an toàn và an ninh của nhân viên và cơ sở của Liên Hợp quốc. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với họ về vấn đề đó”.

Liên hợp quốc đã đưa khoảng 1/3 trong số 300 nhân viên nước ngoài ở Afghanistan đến Kazakhstan. Tổ chức này cũng nhấn mạnh họ muốn duy trì sự hiện diện để giúp đỡ người dân Afghanistan.

Hiện có khoảng 3.000 nhân viên người Afghanistan của Liên hợp quốc vẫn ở trong nước. Một phát ngôn viên cho biết cơ quan này đã liên hệ với các quốc gia khác để kêu gọi họ cấp thị thực hoặc hỗ trợ sơ tán tạm thời một số nhân viên.

Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, hàng nghìn người đã rời khỏi Afghanistan bằng cách lên các chuyến bay quân sự và thương mại, khiến sân bay Kabul vô cùng hỗn loạn. Một số người lo sợ Taliban sẽ thực thi luật Hồi giáo hà khắc như khi họ nắm quyền cai trị trước đây, cấm phụ nữ đi làm và trẻ em gái đi học.

Những người khác, bao gồm cả những người hoạt động trong lĩnh vực vận động chính sách và nhân quyền, tin rằng họ có thể là mục tiêu trả thù của Taliban.

“Chúng tôi đang lâm nguy”

Một phụ nữ Afghanistan đã làm việc cho Liên hợp quốc được vài năm chia sẻ cô cảm thấy mình đã bị bỏ rơi.

“Mọi phụ nữ tôi biết đều có nỗi sợ hãi giống như tôi. Điều gì sẽ xảy ra với con cái chúng tôi nếu chúng tôi bị trừng phạt vì công việc của mình? Điều gì sẽ xảy ra với gia đình chúng tôi? Họ sẽ làm gì với chúng tôi khi chúng tôi là phụ nữ?”, người phụ nữ giấu tên nói.

Chú thích ảnh
Phụ nữ Afghanistan mặc Burqa mua sắm tại một khu chợ ở Kabul. Ảnh: AFP

Trong một tin nhắn video gửi cho các nhân viên ở Afghanistan hôm 25/8, Tổng thư ký Liên hợp  Antonio Guterres cho biết ông rất đau buồn trước những báo cáo rằng một số nhân viên của tổ chức đã bị quấy rối và đe dọa.

“Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng của mình, làm việc tất cả các bên liên quan và sẽ tiếp tục làm như vậy để đảm bảo an toàn và hạnh phúc của bạn, đồng thời tìm ra các giải pháp bên ngoài khi cần thiết”, ông Guterres nói.

Một đánh giá rủi ro của Liên hợp quốc ngày 21/8 cho biết Taliban “không có sự chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ”, hãng tin Reuters đưa tin hôm 24/8. Việc giành quyền kiểm soát trong chớp nhoáng, cùng với việc quân đội nước ngoài do Mỹ hậu thuẫn rút lui sau 20 năm, đã để lại khoảng trống quyền lực lớn. Taliban đang gấp rút thành lập chính phủ ở Kabul và các tỉnh để điều hành đất nước.

Một nhân viên Liên hợp quốc người Afghanistan giấu tên cho hay anh biết ít nhất 50 nhân viên Afghanistan bị Taliban cảnh báo hoặc đe dọa và cần được sơ tán. Anh nói rằng các mối đe dọa không nhất thiết liên quan đến địa vị của người đó tại Liên hợp quốc, mà còn do việc Taliban thúc đẩy áp đặt quyền kiểm soát đối với Kabul.

Một phụ nữ Afghanistan khác làm việc tại Liên hợp quốc đã nhiều lần phải chuyển nhà cùng cùng chồng và con gái 3 tuổi trong 10 ngày qua. Một số hàng xóm biết cô làm việc tại Liên hợp quốc và cô lo lắng họ có thể báo cáo điều này với Taliban.

Cô mong muốn được cấp thị thực để đến một quốc gia láng giềng, nhưng thất vọng vì Liên hợp quốc chưa thể giúp cô sơ tán. “Chúng tôi đã mong đợi toàn bộ hệ thống của Liên hợp quốc giúp đỡ. Chúng tôi thực sự mong đợi điều đó. Chúng tôi đang lâm nguy. Nếu chúng tôi không thể làm việc, ai sẽ giúp người dân?”, cô chia sẻ.

Hải Vân/Báo Tin tức
Taliban không cho công dân Afghanistan vào sân bay Kabul để sơ tán
Taliban không cho công dân Afghanistan vào sân bay Kabul để sơ tán

Hãng tin Sputnik (Nga) ngày 24/8 đưa tin Taliban đã chặn đường đến sân bay Kabul đối với công dân Afghanistan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN