Tokyo là một siêu đô thị với dân số nội đô khoảng 20 triệu, dân số toàn vùng Tokyo - tính cả các địa phương lân cận ngoại ô như Saitama, Yokohama, Kawasaki, giống như ta tính cả Đông Anh, Sóc Sơn, Hà Tây vào Hà Nội thì lên đến 38 triệu dân. Chưa kể một số lượng ổn định du khách và người nước ngoài tới đây làm việc đều đều khoảng 5 triệu người nữa. Vị chi thành phố này luôn chứa trên dưới 43 triệu người sinh sống. Nếu so với Hà Nội (đã mở rộng) 7,5 triệu người, thành phố Hồ Chí Minh 8,5 triệu người mà phố ngõ nào cũng rác, cống rãnh, sông lạch nào cũng rác, bụi lúc nào cũng mù mịt, thì Tokyo có thể được coi là thành phố không có bụi và rác.
Tôi sang Tokyo năm 2015, có thể coi là năm bắt đầu thực hiện các dự án xây dựng để phục vụ Olympic Tokyo 2020. Nhiều sân vận động bị đập đi, xây mới, nhiều tòa nhà đập đi xây lại. Chuẩn bị cho Thế vận hội, Tokyo đã tuyển thêm gần 100 ngàn công nhân xây dựng từ nước ngoài mới đáp ứng được thời gian hoàn công. Ấy vậy mà đường phố vẫn sạch bong, hàng cây hoa trà ngay cạnh hàng rào sân vận động Aoyama 50 ngàn chỗ ngồi bị đập đi xây mới mà lá vẫn bóng loáng, sạch như vừa được ai cầm khăn lau vậy.
Nói thế để thấy rác thải và ô nhiễm của chúng ta thật kinh khủng, dù mức độ phát triển nói chung, phát triển đô thị, công nghiệp nói riêng của chúng ta chưa là gì so với thế giới. Chúng ta cần nhìn ra bên ngoài để thấy cần phải thay đổi và đó là con đường tất yếu để phát triển. Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm duy trì một môi trường sống trong lành hơn, sạch sẽ hơn, văn minh hơn cho chính mình, gia đình mình cũng như cho thế hệ tương lai. Tôi xin kể với mọi người những gì nhìn thấy, nghe được ở Tokyo trong vấn đề xử lý rác thải với mong muốn góp một tiếng nói, một hành động trong sự thay đổi đó.
Tokyo ngập trong rác
Những năm 60 của thế kỷ trước, Tokyo bị ngập trong rác thải khi tốc độ đô thị hóa xảy ra nhanh chóng cộng với mức sống người dân cao hẳn so với thời gian đầu sau chiến tranh. Lối sống công nghiệp kéo theo rất nhiều hệ lụy, người dân từ khắp nơi kéo về Tokyo làm việc, kiếm sống. Các nhà máy, xưởng sản xuất mọc lên ồ ạt, kể cả ở khu vực trung tâm thành phố. Thức ăn công nghiệp, đồ ăn nhanh, đồ nhựa dùng một lần khiến cho các bãi rác kiểu cũ nhanh chóng quá tải. Nhiều cống rãnh, sông suối trở thành nơi chứa rác thải, nhiều khu đất trống trở thành bãi rác tự phát.
Giải pháp tình thế được đưa ra là đốt rác. Các trung tâm thu gom và xử lý rác thải trở thành các lò đốt rác. Lượng rác có vẻ giảm nhưng thiên nhiên và người dân được tặng lại một bầu không khí ô nhiễm trầm trọng. Các bệnh về phổi, bệnh ngoài da tăng đột biến. Rất nhiều giải pháp khác được đưa ra tuy nhiên các bãi rác tự phát vẫn là ổ ruồi muỗi, dịch bệnh, thành phố vẫn đầy khói bụi và rác thải sinh hoạt.
Thay đổi để phát triển bền vững
Năm 1971, Bộ Môi trường Nhật Bản được thành lập nhằm đưa ra các giải pháp căn cơ cho vấn đề rác thải, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Hàng loạt chính sách và dự án nghiên cứu được triển khai trong giai đoạn này trở thành nền tảng cho sự thay đổi hoàn toàn trong 20 năm tiếp theo.
Với nhận định, rác thải đô thị là vấn đề riêng mang đặc thù của từng địa phương, các phương án xử lý rác thải tại mỗi tỉnh, thành sẽ do Hội đồng thành phố và Thị trưởng quyết định. Thị trưởng Tokyo thời gian đó là Shunichi Suzuki đã duyệt chi một ngàn tỷ Yên để xử lý gần 1/2 lượng rác thải sinh hoạt bằng cách biến chúng thành các vật liệu dùng để chôn lấp, xây dựng, lấn biển. Bằng 12 triệu tấn rác thải ông đã xây nên hòn đảo nhân tạo Odaiba nằm ngoài vịnh Tokyo cách quận trung tâm Minato chỉ 1km và biến nó trở thành một trung tâm thương mại, du lịch và nhà ở sầm uất. Học tập Tokyo, nhưng không xây dựng đô thị và trung tâm thương mại, sân bay quốc tế Kansai, sân bay quốc tế Chubu cũng được làm từ rác lấn biển, cho tới nay đã có 5 sân bay được xây dựng bằng cách dùng rác lấp biển tạo đảo. Ở mỗi địa phương lại có các cách giải quyết riêng phù hợp nhất với đặc điểm của mình.
Nhận định thứ hai là rác thải hoàn toàn có thể mang lại lợi ích, cần phải tối ưu hóa để vừa giảm gánh nặng môi trường vừa mang lại việc làm và lợi nhuận. Đây là nhận định quan trọng cho việc xử lý rác thải tại Nhật Bản. Giải pháp đưa ra là tái chế và sản xuất điện. Hiện nay chỉ có 1% lượng rác thải phải đưa vào bãi rác chôn lấp, hơn 70% sẽ được 1.000 nhà máy điện trên khắp Nhật Bản chạy bằng rác dùng để sản xuất điện. Hầu hết chủ các nhà máy điện rác là các doanh nghiệp tư nhân, các công ty điện lực cũng hầu hết là của tư nhân sẽ mua lại điện và bán cho các hộ gia đình. Thậm chí nhà máy điện hạt nhân cũng của tư nhân, nhà nước chỉ quản lý hạ tầng phân phối điện và đưa ra mức giá sàn và trần giá bán điện cho từng khu vực để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Giá bán điện thực tế là do các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau. Vì vậy mới khuyến khích được người dân ở xa trung tâm, các khu đô thị ở ngoại ô mới bán được nhà vì giá nhà thuê rẻ, giá điện, nước cũng rẻ hơn. Khí thải do đốt rác phải được lọc sạch hoàn toàn bụi và các chất độc hại trước khi đưa ra môi trường. Tro bụi sau khi xử lý tách độc được trộn với phụ gia để làm gạch. Hơn 28% rác thải còn lại được dùng để tái chế. Hiện tại, Nhật Bản là nước có tỉ lệ rác chuyển thành năng lượng cao nhất thế giới và là nước có tỉ lệ cao nhất Châu Á về rác tái chế.
Năm 1993, Luật Môi trường được quốc hội Nhật Bản thông qua đã định hình toàn bộ các quy định và tạo ra một khung pháp lý cho mọi hoạt động liên quan tới quản lý rác thải và các vấn đề môi trường.
Trung tâm công nghệ và thương mại mọc lên từ rác
Đảo Odaiba (daiba trong tiếng Nhật có nghĩa là pháo đài) - tên một hòn đảo nhân tạo được xây dựng ở vịnh Tokyo từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện nay Odaiba trở thành một trung tâm mua sắm, du lịch sầm uất, một liên hợp công viên giải trí, công viên nước và công viên cây xanh ngút tầm mắt, những khu căn hộ cao cấp với tầm nhìn khắp vịnh Tokyo, trung tâm triển lãm quốc tế với sức chứa hàng chục ngàn người,... Khó có thể tưởng tượng một khu đô thị có giá trị bất động sản không kém bất cứ khu trung tâm nào của thủ đô Tokyo như vậy lại được xây trên nền rác thải.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước Tokyo trở thành một đại đô thị phải đối mặt với vấn nạn rác thải khi vùng thủ đô trở thành nơi sinh sống của gần 1/3 dân số toàn Nhật Bản. Tỷ lệ đó gần như giữ nguyên cho tới hiện tại, dân số Tokyo là hơn 38 triệu người trên tổng số hơn 125 triệu người dân Nhật, mỗi năm thải ra khoảng 2,7 triệu tấn rác gồm đồ dùng thải loại, rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất, rác thải công nghiệp. Tokyo xác định dứt khoát phải tìm ra một hệ thống các giải pháp mang tính ổn định, bền vững, đảm bảo sự phát triển của đô thị không phải tỷ lệ nghịch với ô nhiễm môi trường.
Những nhà lãnh đạo Tokyo đã không tiếc tiền cho các đề tài nghiên cứu và ứng dụng trong việc giải quyết triệt để vấn đề rác thải công nghiệp và sinh hoạt. Trong số các sáng kiến được đề xuất và thực hiện, giải pháp xử lý rác trở thành vật liệu xây dựng, vật liệu lấp biển, mở rộng đô thị là một mũi tên trúng nhiều đích. Trong nhiều năm, nhiều nhà khoa học đa ngành đã cùng làm việc để cuối cùng đưa ra những phương pháp tối ưu trong hướng đi này. Trong những năm 90, vị thị trưởng thời kỳ đó là ông Shunichi Suzuki đã hiện thực hóa bằng việc chi 1 ngàn tỷ Yên với mục tiêu biến khu vực 6 đảo pháo đài nhỏ bé năm xưa trở thành Odaiba ngày nay với diện tích gần 25km2, chỉ duy giữ lại duy nhất đảo số 6 như một di tích lịch sử. Năm đảo pháo đài còn lại giờ đây đã nằm trọn trong lòng đảo Odaiba.
Tôi còn nhớ mãi ấn tượng lần đầu tiên đi trên chiếc cầu mang tên Cầu Vồng nối Tokyo với đảo Odaiba và nghe người bạn Nhật giới thiệu rằng đây là hòn đảo nhân tạo được xây nên từ rác. Có lẽ những hình ảnh đổ rác lấp ao, hồ ở Việt Nam đã quá ám ảnh nên tôi mường tượng tới những bãi rác thải khổng lồ ruồi nhặng bâu như đám mây, được máy xúc, máy ủi đẩy dần ra phía biển. Hoặc giả ở Nhật Bản văn minh tiến bộ hơn nên sẽ ép rác thành bánh, rồi đẩy ùm ùm ra biển. Sự thật hoàn toàn không phải vậy, điều thứ nhất khiến tôi ngỡ ngàng đó là sự quá rộng lớn của đảo. Tôi không khỏi choáng ngợp khi tiếp nối chiếc cầu 4 làn xe oto là một con đường rộng hơn nữa chạy vào giữa đảo.
Con đường lớn và dài như cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ, chỉ khác chút là xung quanh không phải những bờ ruộng và những ngôi làng nhỏ mà hút tầm mắt là các đại siêu thị, cao ốc, công viên. Ấn tượng thứ hai là không có cọng rác nào được chôn lấp theo cái cách mà tôi hình dung. Phải mất gần một giờ đi xe bus chúng tôi mới tới được chỗ mà người ta đang tiếp tục xây đảo lấn biển và nếu không chuẩn bị trước tâm lý, tôi sẽ lại sốc khi trước mắt tôi giống như một cảng biển chuyên chở hàng hóa, những kiện rác bằng vỏ lon kim loại, vỏ chai nhựa đã được rửa sạch ép thành khối nặng hàng chục tấn, to như những chiếc container hàng trăm khối.
Không hề giản đơn như tôi đã hình dung theo kiểu lấn hồ, ao ở Việt Nam, khi rác rến, xà bần, đất cát cứ thể đổ tùm lum xuống miễn là lấp được kín cái mặt ao hồ, sau dăm ba năm thì nhà tạm dựng lên, sau chục năm nữa thì nhà cấp bốn, rồi sau rốt là nhà cao tầng. Những khu Trương Định, Thanh Xuân, Nhân Chính, Từ Liêm khi tôi còn nhỏ là những ruộng rau muống, hồ nước mênh mông, giờ đều thành nhà, thành phố như vậy.
Ở Odaiba người Nhật đã làm rất khác, rất bài bản, khoa học và đảm bảo sự bền vững như kết cầu nền đảo tự nhiên. Trước tiên đáy biển phải được nghiên cứu kỹ về địa chất, dòng chảy, nước ngầm,.. Chỉ riêng về nước ngầm cũng đã nhiều chuyện đáng nói, như dòng suối nước nóng nhân tạo Monogatari được lấy lên từ độ sâu 1.400m ở trung tâm Odaiba. Để lấy được nguồn nước thiên nhiên này họ đã lắp đặt trước hệ thống ống dẫn từ mạch nước lên mặt biển trước khi san lấp tạo mặt bằng. Nguồn nước này giờ đây tạo nên một hệ thống nhà tắm nước nóng kiểu Nhật (onsen) có thu phí. Phần nước nóng dư thừa họ làm thành một dòng suối nhân tạo để người dân miễn phí ngâm chân, trẻ nhỏ chơi đùa nghịch ngợm. Cái gì cũng nghĩ đến tận cùng và làm tối đa tất cả vì lợi ích chung, đó là cách nghĩ và cách làm của người Nhật.
Sau khi nghiên cứu và lên phương án triển khai lúc đó họ mới làm từng bước từ xử lý nền đáy, đổ các khối bê tông ba chạc nặng 20-40 tấn mỗi miếng, đổ rác đã nén thành khối, đổ đá, lấp đất. Có những chỗ phải khoan nhồi để chống sụt lún, trôi trượt. Ngay cả trên bề mặt đảo sau khi đã nổi lên khỏi mặt nước cũng được xử lý rất khoa học, đảm bảo đất không bị sụt lún do nước biển, do động đất, do xây dựng. Khu vực rìa đảo được tạo nền, đổ cát tạo thành những bãi biển nhân tạo đẹp đẽ, an toàn. Những khu vực mới mở rộng chưa nằm trong quy hoạch phát triển đô thị thì họ để làm phong điện và trồng rừng.
Có thể nói không quá, Odaiba chính là một biểu tượng về trí tuệ và tầm nhìn cũng như thái độ sống của người Tokyo nói riêng, người Nhật Bản nói chung.
Đón đọc kỳ 2: Học cách vứt rác của người Nhật Bản