Quyết định truy tố cựu Tổng thống Trump: Ngày buồn với nước Mỹ

Việc ra quyết định truy tố hình sự lần đầu tiên đối với một cựu tổng thống là một "ngày buồn cho nước Mỹ" và có thể được coi là sự kiện mở "chiếc hộp Pandora".

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WSJ

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), tin tức vào cuối ngày 30/3 rằng việc đại bồi thẩm đoàn ở New York quyết định truy tố cựu Tổng thống Donald Trump là một ngày buồn đối với nước Mỹ, đẩy nước này vào tình trạng chia rẽ chính trị "không thể đoán trước và có thể mang tính hủy diệt". Bản cáo trạng đầu tiên nhằm vào một cựu tổng thống trong lịch sử Mỹ có thể được coi như mở "chiếc hộp Pandora".

Bản cáo trạng vẫn còn bị niêm phong, vì vậy WSJ cho rằng chúng ta không thể xem xét các cáo buộc và bằng chứng cụ thể. Nhưng chúng ta có thể dự đoán các cáo buộc liên quan đến những khoản tiền bịt miệng nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels vào năm 2016 liên quan mối quan hệ giữa bà này với ông Trump. 

Nhưng WSJ lưu ý mối nguy hiểm cho nước Mỹ là tiền lệ mà vụ truy tố này đặt ra. Điều này đang phá vỡ một chuẩn mực chính trị đã tồn tại 230 năm. Sau khi một cựu tổng thống bị truy tố, một số công tố viên Cộng hòa ở các địa phương có thể sẽ tìm cách làm điều tương tự với một thành viên đảng Dân chủ. Nền dân chủ Mỹ sẽ bị lạm dụng và ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa. 

Thực tế, bản cáo trạng lần này đối với cựu Tổng thống Donald Trump là một động thái chưa từng có trong lịch sử Mỹ: Lần đầu tiên một cựu tổng thống Mỹ bị buộc tội hình sự. 

Một số tổng thống Mỹ đã từng dính líu đến vấn đề hình sự khi còn đương chức hoặc trong những năm sau nhiệm kỳ tổng thống.

Tổng thống Richard Nixon bị đại bồi thẩm đoàn nêu tên vào năm 1974 với tư cách là đồng phạm trong vụ bê bối Watergate nhưng không bao giờ bị buộc tội. 

Tổng thống Bill Clinton năm 1998 bị Hạ viện Mỹ luận tội khai man và cản trở công lý liên quan đến nỗ lực che đậy mối quan hệ của ông với cựu thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky. Thượng viện đã bỏ phiếu phản đối đưa ra bản án, nhưng mối đe dọa về các cáo buộc hình sự vẫn tồn tại cho đến những giờ cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Clinton.

Các công tố viên đã đồng ý không theo đuổi cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn sau khi ông Clinton thừa nhận đã khai man, từ bỏ giấy phép hành nghề luật sư trong 5 năm và chấp nhận khoản tiền phạt 25.000 USD.

Ulysses Grant, Tổng thống thứ 18 của Mỹ, đã bị bắt vì lái xe quá tốc độ vào năm 1872, khi ông còn đương chức, nhưng ông đã nộp phạt và không bị ra tòa. 

Khi so sánh với thông lệ ở các quốc gia khác, việc truy tố ông Trump lại ít bất thường hơn. Chỉ trong thập kỷ qua, các nguyên thủ hoặc cựu nguyên thủ quốc gia ở Pháp, Italy, Israel, Brazil và Hàn Quốc đã bị buộc tội đủ loại tội danh, bao gồm tài trợ chiến dịch bất hợp pháp, hối lộ và gian lận thuế.

Mặc dù vậy, bản cáo trạng mới đối với ông Trump cũng đang gây ra những phản ứng khác nhau trong giới chính trị Mỹ liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông. 

Ông Trump đã nói rõ trong một tuyên bố rằng ông sẽ đưa vấn đề truy tố vào chiến dịch tranh cử của mình, gọi đó là nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm ngăn cản ông trong cuộc đua tranh cử tổng thống sắp tới.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa cũng cho rằng rằng bản cáo trạng về cựu Tổng thống Donald Trump là nỗ lực nhằm làm tổn hại đến cơ hội của ông Trump trong cuộc đua tổng thống năm 2024. 

Ông Biden dự kiến ​​sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Về phía Đảng Cộng hòa, cùng với ông Trump, cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley và Thống đốc Florida Ron DeSantis cũng sẽ tham gia tranh cử.

Thống đốc Florida Ron DeSantis, người được coi là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của ông Trump cho đề cử của đảng Cộng hòa, chỉ trích rằng quyết định truy tố là "vũ khí hóa hệ thống pháp luật để thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị".

Trong khi đó, cựu Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson lại có cách tiếp cận khác. Ông Hutchinson kêu gọi sự kiên nhẫn "để hệ thống tư pháp Mỹ hoạt động như đối với mọi công dân Mỹ hàng ngày".

Về phần mình, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phản hồi về bản cáo trạng của Donald Trump, nói: “Đại bồi thẩm đoàn đã hành động dựa trên sự thật và luật pháp, không ai đứng trên luật pháp".

Ngay sau khi tin tức về bản cáo trạng của ông Trump được công bố, nhóm thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump đã đưa ra lời kêu gọi gây quỹ đầu tiên tới những người ủng hộ ông.

"Chúng ta đang sống trong chương đen tối nhất của lịch sử nước Mỹ. Hãy đóng góp, với bất kỳ số tiền nào, để chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024", thông báo của họ nêu rõ. Trước ngày 30/3, nhóm vận động tranh cử trên cho biết họ đã huy động được khoảng 2 triệu USD kể từ khi ông Trump lần đầu tiên dự đoán vào ngày 18/3 rằng ông sẽ bị bắt.

Công Thuận/Báo Tin tức
Giải đáp những câu hỏi trong vụ truy tố cựu Tổng thống Trump
Giải đáp những câu hỏi trong vụ truy tố cựu Tổng thống Trump

Vụ truy tố ông Donald Trump đã đặt ra một loạt câu hỏi về tính pháp lý, quy trình truy tố hình sự một cựu tổng thống và ảnh hưởng của vụ việc tới các cuộc điều tra khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN