Quyền lực vô hình kiểm soát Internet toàn cầu

Chúng chịu trách nhiệm hầu như toàn bộ hoạt động viễn thông của chúng ta, trong một thế giới của smartphone và mạng không dây, dù không mấy người để ý đến việc chúng tồn tại.

Chú thích ảnh
Tàu đặt cáp đang triển khai tuyến cáp Marea nối giữa Mỹ và châu Âu. Ảnh: AP 

Ngày 29/7/1858, hai tàu chiến chạy bằng hơi nước đã gặp nhau ở giữa Đại Tây Dương. Ở đó, chúng kết nối hai đầu cuối của sợi cáp dài 4.000 km, đường kính 1,5cm, lần đầu tiên kết nối hai lục địa Âu và Bắc Mỹ bằng điện tín.

Chỉ trong hơn 2 tuần sau đó, Nữ hoàng Anh Victoria đã gửi bức điện chúc mừng tới Tổng thống Mỹ James Buchanan, tiếp đó là một cuộc diễu hành qua các đường phố New York có hình ảnh tái hiện con tàu đặt sợi cáp xuyên đại dương. Trong buổi lễ khánh thành, Nữ hoàng Victoria đã hoan nghênh công trình quốc tế vĩ đại của hai nước hoàn thành sau gần hai thập kỷ nỗ lực, trong khi Tổng thống Buchanan gọi đây là “chiến thắng huy hoàng nhất, bởi nó hữu dụng với loài người hơn bất cứ chiến thắng nào trên chiến trường”.

Một bức điện tín sẽ mất trên 17 giờ để chuyển giao qua hai bờ Đại Tây Dương, với tốc độ 2 phút 5 giây cho mỗi chữ cái được đánh bằng mã Morse. Tuy vậy, sợi cáp ngầm qua biển đó chỉ hoạt động được không đầy một tháng do nhiều sự cố kỹ thuật khác nhau.

Chú thích ảnh
Một bức điện tín được Nữ hoàng Victoria gửi cho Tổng thống Mỹ James Buchanan qua đường cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương đầu tiên. Ảnh: CNN

Nhưng rồi cuộc cách mạng viễn thông toàn cầu đã bắt đầu. Năm 1866, những đường cáp mới có tốc độ truyền 6-8 từ/phút xuất hiện, sau đó tăng lên trên 40 từ/phút vào cuối thế kỷ. Tới năm 1956, tuyến Transatlantic No. 1 (TAT-1), đường cáp điện thoại dưới biển đầu tiên được đặt, và vào năm 1988, TAT-8 bằng sợi cáp quang đã có thể truyền 280 megabytes/giây – tức gấp 15 lần tốc độ trung bình kết nối internet gia đình của người Mỹ.

Năm 2018, tuyến cáp Marea bắt đầu hoạt động giữa Bilbao, Tây Ban Nha và bang Virgnia của Mỹ, có tốc độ truyền dữ lên tới 160 terabit/giây – tức là nhanh hơn 16 triệu lần tốc độ kết nối Internet gia đình.

Ngày nay, có khoảng 380 đường cáp ngầm dưới biển đang hoạt động trên khắp thế giới, với tổng chiều dài tới trên 1,2 triệu km!

Cáp biển thực sự là một thế lực vô hình đang chi phối Internet toàn cầu, trong đó nhiều tuyến những năm gần đây đã được cấp kinh phí hoạt động bởi những “người khổng lồ” Internet như Facebook Goolge, Microsoft và Amazon. Chúng chịu trách nhiệm hầu như toàn bộ hoạt động viễn thông của chúng ta, trong một thế giới của smartphone và mạng không dây, dù không mấy người để ý rằng chúng có tồn tại.

Chú thích ảnh
Bản đồ của TeleGeography cho thấy các tuyến cáp ngầm dưới Đại Tây Dương. Ảnh: CNN

Khi internet ngày càng chuyển sang xu hướng di động và không dây, lượng dữ liệu đi qua các đường cáp dưới biển đã tăng lên theo cấp số nhân.

“Mọi người luôn chuyển động và tìm kiếm Wi-Fi. Họ không nghĩ về các tuyến cáp, họ không hiểu hoạt động của những tuyến cáp khổng lồ này khi phối hợp với nhau. Họ chỉ nhận ra khi chúng bị cắt đứt”, ông Byron Clatterbuck, Giám đốc điều hành Seacon, một công ty viễn thông đa quốc gia chịu trách nhiệm đặt nhiều tuyến cáp biển kết nối châu Phi với thế giới, phát biểu với CNN.

Chú thích ảnh
Bản đồ tuyến cáp điện tín đầu tiên được đặt ngang qua Đại Tây Dương, giữa Anh và Mỹ. Ảnh: CNN

Những sự cố khó đỡ

Năm 2012, cơn bão Sandy càn quét Bờ Đông nước Mỹ, gây thiệt hại ước tính 71 tỉ USD, phá hủy một số điểm giao then chốt nơi các tuyến cáp ngầm dưới biển nối Bắc Mỹ và châu Âu.

“Đó là một sự gián đoạn nghiêm trọng”, ông Frank Rey, một Giám đốc chiến lược mạng toàn cầu của chi nhánh Hoạt động và Hạ tầng đám mây thuộc Microsoft cho biết, “Toàn bộ hệ thống giữa Bắc Mỹ và châu Âu bị cô lập trong nhiều giờ. Với chúng tôi, cơn bão cũng đưa đến thách thức tiềm tàng đối với các tuyến cáp xuyên Đại Tây Dương, vốn đều kết thúc ở New York và New Jersey”.

Tuyến cáp mới nhất, Marea, mà Microsoft chọn đặt cơ sở hoạt động tại Virginia, Mỹ nhằm giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn nếu một cơn bão lớn khác tấn công New York.

Nhưng không phải phần lớn sự cố cáp quang đều do thiên nhiên. Có khoảng 200 sự cố như vậy mỗi năm và phần lớn là do con người gây ra. “Hai phần 3 các sự cố cáp quang là do hoạt động của con người, do lưới đánh cá và mỏ neo tàu”, ông Tim Stronge, Phó Chủ tịch tại TeleGeography, công ty nghiên cứu thị trường viễn thông, cho biết. “Loại nguyên nhân tiếp theo là thảm họa thiên nhiên, nhiều khi là động đất, hoặc lở đất dưới lòng biển”.

Trận động đất mạnh 7.0 độ ngoài khơi bờ biển Tây Nam Đài Loan năm 2006, cùng với các dư chấn, đã làm đứt 8 dây cáp ngầm, gây gián đoạn internet tại Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Chú thích ảnh
Bản đồ các điểm sự cố cáp biển sau vụ động đất mạnh ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc) tháng 12/2006. Ảnh CNN

Phá hoại có chủ ý

Tháng 2/2008, cả một dải Bắc Phi và Vùng Vịnh bất ngờ mất mạng, hoặc tốc độ chậm hẳn. Sự gián đoạn này là do hai tuyến cáp biển ngoài khơi Ai Cập bị hư hại. Ít nhất một tuyến, nối với Dubai và Oman, đã bị hỏng nặng bởi một mỏ neo năng 6 tấn ngoắc phải.

Tuy nhiên nguyên nhân của các thiệt hại khác chưa bao giờ được giải thích, trong đó nhiều vụ là do phá hoại. Điều này dấy lên một mối đe dọa khác với cáp biển: những vụ tấn công có chủ ý của con người.

Trong bản báo cáo năm 2017 cho tổ chức tư vấn Policy Exchange, nghị sĩ Anh Rishi Sunak viết rằng "an ninh vẫn là một thách thức" với hệ thống cáp dưới biển. "Một vụ tấn công thành công sẽ gây ra đòn giáng mạnh vào an ninh và sự thịnh vượng của Anh", ông Sunak viết. 

Gián điệp cáp biển

Đặt thiết bị nghe trộm từ đường cáp ngầm không phải là chuyện mới. Từ thời Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm Mỹ đã chở theo thợ lặn được trang bị thiết bị đặc biệt để có thể nghe trộm toàn bộ các cuộc liên lạc từ đường cáp của Liên Xô chạy bên dưới biển Okhotsk.

Chú thích ảnh
Một phần của tuyến cáp Marea dài 6.600km, do Microsoft và Facebook tài trợ kinh phí, đang trên tàu đặt cáp. 

Hoạt động do thám bí mật kéo dài khoảng một thập niên, cho đến khi thông tin về chiến dịch có mật danh là Ivy Bells này được bán cho người Liên Xô, bởi một chuyên gia viễn thông Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ tên là Ronald Pelton. Ngày nay, trên 99% liên lạc quốc tế được tiến hành nhờ các tuyến cáp quang, hầu hết đặt ngầm dưới biển. Nghe lén cáp điện thoại qua biển không dễ chút nào, hoạt động do thám qua sợi cáp quang ngầm còn khó hơn, nhưng không phải không thể.

Theo các nhà nghiên cứu tại AT&T Labs, bằng cách nhắm đến cơ sở hạ tầng Internet, những kẻ tấn công có thể sẽ phá huỷ từng bộ phận của một hệ thống mà chúng không thể do thám, buộc con người phải chuyển sang những tuyến cáp mà hacker đã kiểm soát được.

Cách dễ nhất để do thám không phải là xâm nhập vào sợi cáp mà là vào điểm mà nó kết nối với đất liền. Các cơ quan tình báo Mỹ và Anh đều từng bị cáo buộc thực hiện kiểu do thám này trong quá khứ. 

Năm 2013, tờ Guaridan (Anh) dẫn tài liệu được cựu nhân viên hợp đồng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp, cho biết Cơ quan Tình báo Hải ngoại Anh (GCHQ) đã "bí mật tiếp cận được hệ thống cáp truyền tải lưu lượng Internet và cuộc gọi điện thoại của thế giới". Theo tài liệu này, năm 2012 GCHQ đã xử lý 600 triệu "cuộc điện thoại" mỗi ngày và xâm nhập vào trên 200 đường cáp quang.

Xem video minh hoạ hệ thống cáp viễn thông dưới biển của thế giới (Nguồn: Business Insider)

Cũng theo tài liệu rò rỉ từ Snowden, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng thực hiện một chiến dịch tương tự có tên là Upstream, "xâm nhập vào hoạt động viễn thông trên các cáp quang".

GCHQ từ chối bình luận về bài viết trên tờ Guardian, còn NSA cho biết họ "không thể xác nhận hay bác bỏ", mà chỉ khẳng định rằng "NSA đã tiến hành sứ mạng tình báo nước ngoài theo một cách có kiểm soát cẩn thận, phù hợp với luật pháp Mỹ và chịu nhiều lớp giám sát".

Theo nhiều báo cáo, dù chưa bao giờ được quân đội Mỹ xác nhận, tàu ngầm USS Jimmy Carter đã xử lý được khả năng nghe trộm cáp ngầm hiện đại. Bên trong tàu có cả một buồng độc lập có thể hạ sâu xuống đáy biển để thợ lặn và kỹ thuật viên có thể dễ tiếp cận sợi cáp.

Dĩ nhiên Mỹ không phải cường quốc duy nhất bị cáo buộc thực hiện gián điệp cáp ngầm. Năm 2015, giới chức tình báo Mỹ cho biết các cảm biến ngầm dưới biển phát hiện tàu ngầm Nga "lảng vàng" gần các tuyến cáp viễn thông quan trọng, cùng với một tàu do thám được cho là chở theo các thiết bị di chuyển dưới nước, được thiết kế để cắt đứt hoặc làm hỏng cáp. Cáo buộc này bị phía Nga bác bỏ.

Nhân tố Huawei

Nếu bạn tự kiểm soát được tuyến cáp ngầm, thì bạn không cần phải lo lắng về khó khăn khi thâm nhập nó. Đó chính là mối lo ngại của nhiều nước khi người khổng lồ viễn thông Trung Quốc, Huawei bắt đầu bước chân vào thị trường cáp ngầm dưới biển.

Chú thích ảnh
Bản đồ tuyến cáp ngầm mà Huawei lên kế hoạch xây dựng, nối Sydney với quần đảo Solomon. Ảnh: FT

Chỉ trong vòng không đầy một thập niên tồn tại, Huawei Marine Networks, công ty cáp biển của Huawei, đã giành được các hợp đồng lắp đặt tới 40.000km cáp ngầm dưới biển, đủ để quấn vòng quanh Trái đất.

Năm 2017, lo ngại an ninh quốc gia, Australia đã ngăn cản kế hoạch của Huawei lắp đặt đường cáo dài 4.000km dưới đáy biển nối Sydney với quần đảo Solomon. Thay vào đó, Canberra đẩy mạnh việc cung cấp phần lớn vốn cho hệ thống Cáp Coral Sea, nối Australia với Port Moresby ở Papua New Guinea.

"Không có cách nào để ngăn Huawei khỏi xây dựng cáp ngầm, hoặc ngăn cản tư nhân ký hợp đồng với công ty Trung Quốc nhằm hiện đại hoá cáp, khi chỉ dựa trên những nghi ngờ", ông James Stavridis, Đô đốc hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và cựu tư lệnh NATO, cho biết. "Thay vào đó, Mỹ cần phải sử dụng năng lực tình báo để thu thập bằng chứng về những 'cửa sau' và các rủi ro an ninh khác".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN )
Huawei công bố hệ điều hành riêng cạnh tranh với Android của Google
Huawei công bố hệ điều hành riêng cạnh tranh với Android của Google

Trong buổi họp báo lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn Huawei tổ chức vào chiều 9/8 tại thành phố Đông Hoản, Trung Quốc, "ông lớn" công nghệ này đã trình làng hệ điều hành riêng có tên gọi Harmony OS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN