Samsung Electronics, Huawei Technologies và Apple – ba người khổng lồ đang cùng nhau kiểm soát trên 50% thị trường điện thoại toàn cầu - đều hứng chịu nhiều vết sẹo do thương chiến Mỹ - Trung và căng thẳng thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc. Điều này thể hiển rõ qua các báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2 vừa được công bố trong tuần này.
Nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới Samsung cho biết họ đang đối mặt những thách thức phía trước do chính sách siết chặt xuất khẩu của Nhật Bản đối với các vật liệu dùng cho sản xuất màn hình và vi mạch điện tử.
Huawei, mặc dù trong Quý 2 đã vượt qua Apple trở thành nhà sản xuất smartphone số 2 thế giới, cũng lên tiếng lo ngại về ảnh hưởng từ những hạn chế của Washington đối với hãng này trong tiếp cận công nghệ Mỹ.
Trong khi đó, doanh số thiết bị cầm tay của Apple thấp hơn đang kể so với một năm trước và "Quả Táo" tiếp tục để mất thị phần toàn cầu về tay hai đối thủ. Tính chung, doanh thu của Apple từ dòng điện thoại iPhone đã giảm gần 12% so với 1 năm trước.
Hơn thế, "người khổng lồ" công nghệ Mỹ chắc chắn sẽ còn đối mặt khó khăn sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc xuất sang Mỹ, thậm chí có thể tăng lên 25% hoặc hơn. Đòn thuế mới sẽ đánh mạnh vào người tiêu dùng Mỹ hơn các vòng tăng thuế trước, ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng tiêu dùng phổ biến như iPhone, các thiết bị điện tử gia dụng, giày dép và đồ chơi.
“Apple đối mặt những thách thức từ việc doanh số kỳ vọng với iPhone giảm tại Trung Quốc và các thị trường khác bên ngoài Mỹ, trong khi với Samsung, doanh số mảng điện thoại cao cấp đang yếu tại những thị trường then chốt như Mỹ và châu Âu”, ông Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint phát biểu với tờ Nikkei Asian Review. “Với Huawei, lệnh cấm thương mại của Mỹ đã ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh smartphone của hãng”.
Bộ ba “ông lớn” lúc này đang phải chiến đấu chống lại những luồng gió ngược trong ngành công nghiệp và chính trị, trong lúc họ còn phải tập trung vào nỗ lực giành chiến thắng trên chiến trường 5G sắp tới và bảo vệ địa phận trước những đối thủ có thể xuất hiện từ phía sau.
“Khi nhìn vào tốp đầu của thị trường – gồm Samsung, Huawei và Apple – mỗi người bán đều đã mất một phần nhỏ trong quý vừa qua, nhưng nhìn xuống tốp 3 tiếp theo – gồm Xiaomi, Oppo và Vivo – thì nhóm này lại gặt hái”, ông Ryan Reith, Phó chủ tịch chương trình Theo dõi Thiết bị di động Toàn cầu của IDC cho biết. “Kết quả đó một phần liên quan đến thời điểm tung ra sản phẩm, nhưng vẫn khó để nói rằng xu thế này có thể tiếp diễn”.
Chiến trường 5G đang nóng dần
Cuộc chiến đang nóng lên khi người tiêu dùng chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của thế hệ mạng di động 5G, cho phép tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn và độ trễ thấp hơn nhiều so với 4G. Công nghệ 5G sẽ mở ra nhiều ứng dụng thực tế ảo, lái xe tự hành và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mà ngành công nghiệp smartphone hy vọng sẽ được tiếp nguồn năng lượng mới với nhu cầu thiết bị cầm tay 5G.
Bộ ba Samsung, Huawei, Apple được dự báo vẫn thống trị thị trường 5G, khi những nguồn lực chủ chốt được đầu tư vào những sản phẩm tiên tiến nhất. Tuy vậy, với việc người tiêu dùng trong những năm gần đây đang lảng tránh mảng điện thoại cao cấp nhất (high-end), công nghệ 5G có thể mở ra cánh cửa cho cả những thương hiệu smartphone nhỏ hơn như Oppo, Vivo và Xiaomi của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang làm tất cả để bảo đảm thành công cho các công ty nội địa trên sân chơi 5G. Họ đã cấp phép thương mại 5G sớm hơn cho các nhà mạng từ đầu tháng 6/2019, mở đường cho doanh nghiệp trong nước tham gia cuộc đối đầu với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ở mảng hạ tầng mạng không dây 5G, đồng thời cho phép các nhà sản xuất smartphone nội địa như Huawei tung ra các thiết bị 5G.
Xem video cho thấy tốc độ nhanh "choáng váng" của điện thoại Huawei 5G
MediaTek, nhà sản xuất chip điện thoại lớn số hai thế giới sau Qualcomm, dự báo vào năm 2020 sẽ có khoảng 140 triệu thiết bị cầm tay 5G, trong đó riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 100 triệu chiếc.
Mới tuần trước, Huawei đã giới thiệu chiếc điện thoại 5G hoạt động đầu tiên tại Trung Quốc. Tập đoàn này đặt mục tiêu táo bạo bán ra khoảng 100 triệu thiết bị cầm tay 5G trong năm tới.
Hàn Quốc cũng nhanh chóng cung cấp một nền tảng nội địa mạnh mẽ cho ngành công nghiệp smartphone được thống trị bởi Samsung. Hồi tháng 4, Hàn Quốc đã giới thiệu mạng di động 5G đầu tiên trên thế giới nhằm hỗ trợ chiến dịch smartphone 5G của Samsung trên thị trường trong nước.
Trong khi đó, Apple đang chậm trễ hơn Huawei và Samsung. Hai đối thủ đều đã tung ra những mẫu điện thoại 5G, trong khi mẫu điện thoại thế hệ tiếp theo của Apple dự kiến ra mắt trong năm tới đã bị trì hoãn bởi nguồn cung cấp các modem 5G chất lượng cao. Quyết định của Apple mua công ty modem điện thoại của Intel với giá 1 tỉ USD trong tháng 7 là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của "người khổng lồ" này trong việc sở hữu công nghệ không dây tiên tiến, có ý nghĩa then chốt ở vòng đua kế tiếp.
Từ năm 2020, người tiêu dùng toàn cầu sẽ chứng kiến một loạt các lựa chọn smartphone 5G, khi gần như tháng nào cũng có kế hoạch giới thiệu sản phẩm của các hãng điện thoại. “Rõ ràng nếu bạn không chuẩn bị sẵn thiết bị 5G để tung ra thị trường trong năm tới, bạn sẽ không thể dự tiệc khi bất cứ ai cũng đều trình làng ít nhất một sản phẩm”, Jeff Pu, chuyên gia công nghệ tại GF Securites, nói.
Tuy vậy vẫn có rủi ro với triển vọng 5G. Tốc độ tải về nhanh và độ trễ thấp mà 5G mang lại cũng có giá của nó. Các điện thoại thông minh sẽ phải to hơn để lắp vừa các linh kiện bổ sung hỗ trợ công nghệ này. Chúng cũng sẽ cần pin lớn hơn vì ngốn nhiều năng lượng. Các smartphone 5G còn cần được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng 5G tốt, mà trong ngắn hạn có thể chưa xây dựng kịp tại nhiều quốc gia.
“Chúng tôi hy vọng 5G có thể vực dậy thị trường, nhưng cũng chỉ mở rộng được khi hệ thống đã sẵn sàng”, ông Lee Chang-min, nhà phân tích tại KB Securities, phát biểu. “Thị trường sẽ không sớm thay đổi được. Cần có thêm thời gian”.