Theo tờ Foreign Affairs, hơn một năm rưỡi qua, chính quyền Tổng thống Trump đã phát động một chiến dịch kỳ lạ để chống lại Huawei, "người khổng lồ" viễn thông Trung Quốc, với những cáo buộc hình sự, trừng phạt thương mại, áp lực ngoại giao lên cả các đồng minh của Mỹ. Vào tháng 5, chiến dịch trở nên căng thẳng khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ sử dụng sản phẩm và dịch vụ của những công ty nước ngoài bị chính phủ “thao túng”, như Huawei (dù ông không chỉ đích danh).
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và 68 chi nhánh của công ty này vào “danh sách thực thể”, theo đó các công ty Mỹ bị cấm bán linh kiện cho Huawei nếu không được chính phủ cho phép. Bốn “đại gia” công nghệ Mỹ - Broadco, Intel, Qualcomm và Xinlinx – đều gần như lập tức ngừng hợp tác với Huawei, trong khi Google thông báo không cung cấp hệ điều hành Android cho các smartphone mới của công ty Trung Quốc. Mặc dù sau đó Bộ Thương mại Mỹ thông báo treo lệnh cấm trên trong 90 ngày, nhưng tương lai hợp tác với Huawei vẫn đầy bất ổn. Nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi cho biết ông dự kiến doanh thu của công ty sẽ giảm 30 tỉ USD trong 2 năm tới do hành động của Mỹ, so với mức 107 tỉ USD năm 2018.
"Trận chiến lớn" về tương lai số
Huawei có thể đặt ra mối nguy cơ với an ninh Mỹ, nhưng đó không phải là lý do duy nhất cho cuộc tấn công của Washington. Động thái này đúng hơn làm một trận chiến lớn xung quanh tương lai của thế giới kỹ thuật số. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompei từng phát biểu hồi tháng 5/2019 tại London rằng, việc nước chủ nhà Anh sử dụng công nghệ 5G của Huawei sẽ cho phép Trung Quốc không chỉ tiếp cận những nguồn dữ liệu quan trọng mà còn “kiểm soát tương lai của Internet” và có thể “chia rẽ liên minh phương Tây bằng byte và bit”.
Nhà Trắng rõ ràng có quyền tập trung vào cuộc canh tranh công nghệ với Bắc Kinh. Trung Quốc đã rất tích cực tìm cách tái tạo không gian mạng mang ảnh hưởng của họ bằng cách sử dụng các quy chuẩn nội địa, sáng tạo công nghệ, các công ty tầm cỡ thế giới và chiến lược ngoại giao linh hoạt. Nếu họ thành công, thông qua kiểm soát Internet, Bắc Kinh sẽ đảm bảo an ninh quốc gia, kinh tế và ngoại giao cũng như các lợi ích tình báo từng thuộc về Washington.
Nhưng cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump với vấn đề này lại không hiệu quả. Hầu hết thế giới vẫn được Mỹ thuyết phục rằng nguy cơ an ninh của việc sử dụng thiết bị Huawei lớn hơn lợi ích kinh tế do chúng mang lại. Nhưng chính sự tập trung của Washington vào việc tách biệt nước Mỹ khỏi những rủi ro với hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc lại đang làm trì trệ sự đổi mới của Mỹ, đồng thời đẩy nhanh các kế hoạch của Trung Quốc hướng tới độc lập và tự chủ công nghệ.
Theo tờ Foreign Affairs, có những cách tốt hơn để đối phó với sự trỗi dậy công nghệ của Trung Quốc, và chúng đều liên quan tới sự mở rộng ảnh hưởng Mỹ cũng như đẩy mạnh sáng tạo. Thay vì tìm cách lôi kéo các nước khác từ bỏ Huawei, Mỹ nên chào mời họ những giải pháp thay thế có thể cạnh tranh cả về giá cả và hiệu quả. Washington nên phối hợp với các chính phủ đồng minh để cải thiện an ninh mạng. Họ cũng cần đầu tư cho nghiên cứu để làm chủ cả công nghệ 5G và những công nghệ tiếp sau đó trong tương lai.
Thách thức 5G và giải pháp cho Mỹ
Theo các tiêu chuẩn được Liên minh Viễn thông Quốc tế đặt ra, mạng 5G sẽ cung cấp tới 20 gigabit dữ liệu/giây trong thời gian đáp ứng chưa đến 1 giây. Người dùng có thể tải xuống cả bộ phim 4K chỉ trong vài giây; xe tự lái có thể đưa ra những phản ứng dựa trên trí tuệ nhân tạo thông qua liên lạc liên tục với đám mây dữ liệu; người nông dân sẽ dùng máy bay không người lái, vệ tinh thời tiết và các cảm biến trên đất đai, mùa màng, đàn gia súc.... Những quốc gia đi đầu triển khai 5G được dự báo sẽ gặt hái nhiều lợi ích lớn về an ninh và kinh tế.
Nhưng công nghệ cũng mang đến những mối đe dọa mới. Chính phủ Mỹ tranh cãi rằng mạng 5G do Huawei cung cấp không an toàn do mối quan hệ chặt chẽ của công ty này với chính phủ Trung Quốc, trong khi công ty bác bỏ cáo buộc này.
Cú đòn lớn nhất với các nỗ lực của Mỹ là khi các đồng minh chủ chốt Pháp, Đức, Anh kết luận rằng họ có thể giảm nhẹ rủi ro sử dụng sản phẩm Huawei bằng cách hợp tác với những người cung cấp khác song song với Huawei, và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chứ không tuyệt giao với tập đoàn Trung Quốc.
Thái độ lưỡng lự khi phải quyết định từ bỏ Huawei chủ yếu là do yếu tố kinh tế. Với sự trợ cấp của chính phủ, tinh thần sáng tạo và một thị phần lớn ở Trung Quốc, Huawei có thể cung cấp các dịch vụ và sản phẩm với giá thấp hơn đáng kể so với các đối thủ châu Âu như Ericsson, Nokia. (Trong khi hiện còn chưa có công ty Mỹ nào sản xuất thiết bị chuyển phát tín hiệu giữa điện thoại di động và tháp mạng 5G).
Một trong những hệ quả từ lệnh cấm của Mỹ nhằm vào Huawei đã rõ ràng: Tung Quốc tăng gấp đôi đầu tư cho tự chủ công nghệ. “Chỉ khi chúng ta sở hữu những công nghệ cốt lõi và sản phẩm trí tuệ của chính chúng ta, khi đó ta mới có thể sản xuất các sản phẩm với tính cạnh tranh cốt lõi và sẽ không bị tấn công trong cạnh tranh khốc liệt”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu.
Trong chiến lược tự chủ công nghệ, Huawei đã khai trương một viện nghiên cứu công nghệ và khoa học, nơi họ sẽ đầu tư 300 triệu USD mỗi năm trong 5-10 năm tới. Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc mới thông báo quyết định miễn thuế nhằm hỗ trợ công nghiệp phần mềm và bán dẫn, hai ngành trước đây phụ thuộc vào Mỹ.
Nước Mỹ đã lo ngại rất đúng về tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Nhưng để đối phó thành công với tham vọng đó, Washington cần phải công nhận rằng, bằng cách tiếp nhận công nghệ viễn thông của Huawei, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á, châu Âu và Mỹ Latin đang làm một phép tính có lý. Với nhiều quốc gia, lợi ích của một mạng 5G rẻ, nhanh được đặt nặng hơn cả rủi ro an ninh.
Tạp chí Foreign Affair cho rằng, nếu Washington muốn thay đổi phép tính đó, họ nên cung cấp cho các bạn bè, đồng minh một giải pháp thay thế mang tính kinh tế, có thể bằng cách thông qua Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (IDFC) để cung cấp các khoản vay cho Ericsoon hoặc Nokia. Và trong khi các mạng do Trung Quốc cung cấp có thể dễ tổn thương các vụ tấn công mạng, nước Mỹ nên phối hợp với các đồng minh để chống tấn công mạng, đồng thời đề ra những tiêu chuẩn về kiểm tra và triển khai thiết bị 5G tương tự như Tuyên bố chung có tên "Đề nghị Prague" được 30 quốc gia đưa ra tại Hội nghị An ninh mạng 5G ở Prague, Séc hồi tháng 5 vừa qua.
Để chinh phục thế giới, Mỹ cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong nước. Quốc hội nên thông qua ngân sách cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển 5G mới tại các trường đại học để tập trung vào những lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh như an ninh, điện toán, lưu trữ. Họ cũng nên khuyến khích những trung tâm này bắt đầu nghiên cứu công nghệ 6G, được dự báo sẽ vượt qua 5G trong khoảng 15 năm tới.