Richard Yu - Giám đốc bộ phận tiêu dùng Huawei - hy vọng hệ điều hành Harmony OS mới sẽ đem đến "sự hài hòa cho thế giới". Đây là hệ điều hành được cho là do Huawei tự nghiên cứu phát triển từ nhiều năm trước.
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho rằng hệ điều hành mới nhanh hơn hệ điều hành Android 60%.
Hệ điều hành Harmony OS sẽ sử dụng nhân loại nhỏ (microkernel) và không có “chìa khóa chủ” cho toàn bộ hệ thống như Android, Linux hay Unix. Theo Huawei, các ứng dụng HTML, Linux và Andorid có khả năng hoạt động trên hệ điều hành HarmonyOS. Tập đoàn này cũng dự định hình thành “hệ sinh thái mở”, vì vậy các nhà phát triển không cần phải tích hợp ứng dụng của họ vào các thiết bị khác nhau mà việc đó sẽ được tích hợp tự động.
Phiên bản đầu tiên của Harmony OS sẽ trình làng vào ngày 10/8 và những phiên bản mới sẽ có mặt trên thị trường hai năm sau. Hệ điều hành Harmony OS tương thích với trí tuệ nhân tạo và cũng có thể được sử dụng trên PC cũng như các thiết bị khác.
Trước đó, tập đoàn công nghệ này tuyên bố sẽ công bố hệ điều hành mới trong năm nay sau khi Google xác nhận ngưng cung ứng dịch vụ nâng cấp Android cho các thiết bị di động của hãng này vì lệnh cấm của Chính phủ Mỹ.
Mới đây, Huawei cũng tuyên bố sẽ ra mắt điện thoại dùng hệ điều hành riêng trong năm nay. Tờ Global Times của Trung Quốc hôm 4/8 đưa tin nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này đang thử nghiệm hệ điều hành trên thiết bị di động của hãng. Huawei có kế hoạch nhắm đến phân khúc thấp và trung của thị trường phân điện thoại thông minh. Dự kiến, giá điện thoại mới của hãng sẽ xung quanh mức 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 6,5 triệu đồng).
“Điện thoại Huawei mới với hệ điều hành mới sẽ được sản xuất hàng triệu chiếc”, một nguồn tin tiết lộ với Global Times. Bài báo cho biết thêm sản phẩm mới này sẽ nằm trong bộ sưu tập “con cưng” tiếp theo của Huawei – series Mate 30.
Tin tức về việc “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc này công bố hệ điều hành riêng xuất hiện sau khi Chính phủ Mỹ cấm các công ty của nước này bán linh kiện và công nghệ cho Huawei mà không xin giấy phép hồi tháng 5.
Trước đó cùng ngày, Google tuyên bố đã ngưng cấp giấy phép và cắt đứt mọi thỏa thuận chia sẻ sản phẩm với “ông lớn” công nghệ Trung Quốc Huawei. Theo hãng tin RT, công ty công nghệ Thung lũng Silicon đã cắt đứt mọi thỏa thuận kinh doanh với Huawei liên quan đến việc chuyển giao phần cứng và phần mêm.
Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ".
Nhà Trắng khẳng định sắc lệnh này không nhằm vào bất kỳ công ty hay quốc gia cụ thể nào. Tuy nhiên, động thái diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ gia tăng căng thẳng này được cho là nhằm vào Huawei do Washington quan ngại về hoạt động gián điệp. Trước đó, Mỹ đã cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của Huawei, một trong những tập đoàn đi đầu về phát triển mạng không dây thế hệ 5G.
Lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Huawei mất quyền truy cập nâng cấp hệ thống điều hành Android, và một số mẫu điện thoại thông minh của Huawei không thể mở được ứng dụng Google, bao gồm Google Play Store và Gmail. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc vẫn có quyền tiếp cận phiên bản mở rộng của hệ điều hành Android.
Lệnh cấm khẳng định tập đoạn công nghệ Huawei "liên quan đến các hoạt động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia hoặc các chính sách đối ngoại của Mỹ", đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển mạng 5G của Mỹ. Sau lệnh cấm, một loạt công ty công nghệ lớn như Google, Intel, Qualcomm, Xilinx, và Broadcom đều tuyên bố cắt đứt mọi thỏa thuận kinh doanh với Huawei liên quan đến việc chuyển giao phần cứng và phần mềm.