Trong thông báo được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới ở Berlin (Đức), Quỹ Bill và Melinda Gates cho biết số tiền trên sẽ được sử dụng nhằm thực hiện Sáng kiến xóa sổ bại liệt trên toàn cầu đến năm 2026. Sáng kiến này đang được triển khai tại Pakistan và Afghanistan - hai quốc gia còn lại trên thế giới vẫn đang coi bại liệt là căn bệnh đặc hữu. Ngoài ra, số tiền trên cũng sẽ được sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát các biến thể mới của virus gây bệnh bại liệt.
Theo Quỹ Bill và Melinda Gates, cho tới nay, tổ chức này đã đóng góp gần 5 tỷ USD cho Sáng kiến xóa bỏ bệnh bại liệt, trong đó nỗ lực đưa các chiến dịch chống bại liệt vào các dịch vụ y tế rộng lớn hơn, đồng thời mở rộng quy mô sử dụng vaccine chống bại liệt tuýp 2.
Quỹ Bill và Melinda Gates cũng đang tích cực triển khai các biện pháp giúp củng cố hệ thống y tế quốc gia của các nước, theo đó chuẩn bị tốt hơn cho các nguy cơ y tế có thể xảy đến trong tương lai. Giám đốc điều hành Quỹ Bill và Melinda Gates - ông Mark Suzman cho biết: “Các bước cuối cùng để xóa sổ bệnh bại liệt là khó khăn nhất. Nhưng quỹ của chúng tôi vẫn luôn ưu tiên cho tương lai không có bệnh bại liệt và chúng tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ sớm thấy được điều đó”.
Kể từ đầu năm đến nay, Pakistan đã ghi nhận 20 trường hợp mắc bệnh bại liệt. Tất cả các ca mắc bệnh đều ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này. Trong khi đó, Afghanistan đã ghi nhận 2 trường hợp trong năm nay.
Các nỗ lực xóa sổ bệnh bại liệt đã được triển khai từ năm 1988, với kinh phí khoảng 1 tỷ USD/năm. Tuy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đã giúp giảm hơn 99% tỷ lệ mắc bệnh bại liệt, nhưng những tiến bộ đó chủ yếu đạt được trong 10 năm đầu tiên triển khai công tác này. Hiện bệnh bại liệt vẫn tồn tại dai dẳng ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan và Pakistan và đã có hàng chục đợt bùng phát tại châu Phi, Mỹ và Israel trong những năm gần đây.