Trước đó, ngày 15/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và chính phủ nước này đã quyết định xúc tiến quy trình để Helsinki gia nhập liên minh quân sự trên, song quyết định cần được Quốc hội thông qua.
Phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto khẳng định việc gia nhập NATO sẽ không thay đổi quan điểm cơ bản của quốc gia Bắc Âu này, đó là luôn tìm kiếm những giải pháp hòa bình.
Trong khi đó, một số nghị sĩ phản đối đề xuất này, cho rằng biên giới của Phần Lan sẽ trở thành biên giới giữa NATO và Nga. Theo các nghị sĩ này, những căng thẳng mới không chỉ có nguy cơ xảy ra trong quá trình xúc tiến quy trình gia nhập mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tình hình mới trong chính sách an ninh và đối ngoại của Phần Lan.
Ngoài Phần Lan, Thụy Điển cũng đã tuyên bố sẽ xúc tiến quy trình gia nhập NATO mặc dù vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ vì những lo ngại về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 17/5, cả Đức và Mỹ đều cho rằng hai nước này có thể vượt qua rào cản để trở thành thành viên của khối liên minh quân sự này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ông tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh, và Đức sẽ tìm cách thúc đẩy. Còn Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 17/5 nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tin tưởng NATO có thể đạt được sự thống nhất về những nỗ lực gia nhập khối của 2 quốc gia trên.