Quốc hội Mỹ thảo luận về dự luật cho thế hệ nhập cư 'Dreamer'

Ngày 12/2, các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa Mỹ bắt đầu tiến trình thảo luận về dự luật với những đề xuất mới của Tổng thống Donald Trump liên quan tới cấp quốc tịch cho khoảng 1,8 triệu người nhập cư trái phép vào Mỹ khi còn nhỏ, còn gọi là thế hệ "Dreamer".

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington DC. Ảnh: Washington Examiner/TTXVN

Với 97 phiếu thuận và duy nhất 1 phiếu chống của nghị sĩ Ted Cruz, đại diện bang Texas, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thảo luận văn bản này. Dự báo tiến trình này có thể kéo dài trong nhiều tuần, mặc dù giới lập pháp Mỹ mong muốn kết thúc tiến trình này trong tuần này trong bối cảnh hơn 600.000 người nhập cư trẻ tuổi đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khi hạn chót về một dự luật thay thế Chương trình Hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) sắp hết hạn vào tháng 3 tới. Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng các nghị sĩ hai đảng sẽ sớm tìm được tiếng nói chung trong vấn đề nóng này.


Trước đó, hồi cuối tháng 1 vừa qua, nhằm tháo gỡ bế tắc, Chính quyền Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch cải cách toàn diện , theo đó cho phép 1,8 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ hồi nhỏ nhập quốc tịch Mỹ trong 10-12 năm tới. Kế hoạch này đồng thời yêu cầu các nghị sĩ hai viện quốc hội sớm chấm dứt chương trình quay xổ số thẻ xanh, vốn cho phép một chương trình cấp visa định cư (thẻ xanh) chọn ngẫu nhiên 55.000 người nhập cư nước ngoài mỗi năm, đồng thời siết chặt các chương trình đoàn tụ gia đình hay còn gọi là "nhập cư dây chuyền".


Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đề nghị Quốc hội phê chuẩn khoản ngân sách 25 tỷ USD để xây dựng bức tường an ninh dọc biên giới với Mexico để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp từ cửa ngõ này. Trong kế hoạch này, các nhà hoạch định chính sách của Nhà Trắng cũng đề nghị Quốc hội trao thêm quyền hạn cho Bộ An ninh nội địa Mỹ trong vấn đề nhập cư và cấp kinh phí cho các chiến dịch trấn áp người nhập cư trái phép, hiện ước tính là khoảng 11 triệu người.


Không chỉ ông chủ Nhà Trắng cố gắng tháo gỡ bế tắc, một nhóm nhóm nghị sĩ bảo thủ tại Thượng viện Mỹ đã công bố một dự luật khác với nhiều đề xuất tương tự như kế hoạch của Tổng thống Trump. Dự thảo luật này đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, mở ra hy vọng cho văn kiện này sớm được phê chuẩn. Trong khi đó, Liên minh Ý thức chung, gồm 25 thượng nghị sĩ Mỹ Dân chủ và Cộng hòa, lại đang tập trung vào một dự luật mang tính thỏa hiệp, có nội dung đơn giản hơn so với kế hoạch của Tổng thống Trump.


Tuy nhiên, tương lai về một dự luật mới thay thế DACA đang mờ mịt, do nhiều thượng nghị sĩ Dân chủ phản đối kế hoạch của Tổng thống Trump trong khi kế hoạch này cần sự ủng hộ của ít nhất 60 thượng nghị sĩ và thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain tạm thời vắng mặt trong nhiều tuần qua để điều trị bệnh.


Kể từ khi ra đời vào năm 2012, DACA đã bảo vệ quyền lợi cho khoảng 700.000 người nhập cư trẻ tuổi được ở lại Mỹ làm việc một cách hợp pháp. Tuy nhiên, chương trình này đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Trump lên cầm quyền với chính sách mạnh tay với người nhập cư trái phép và tăng cường an ninh biên giới nhằm mang lại thêm việc làm cho người dân bản địa. Rất nhiều bang, tổ chức và cá nhân đã nộp đơn kiện nhằm bảo vệ những người thuộc diện bảo hộ của DACA sau quyết định của Tổng thống Trump.


TTXVN/Báo Tin tức
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu ngân sách cho hai năm tới
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu ngân sách cho hai năm tới

Chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu ngân sách cho chính phủ liên bang trong 2 năm tới, Hạ viện Mỹ ngày 9/2 cũng đã có quyết định tương tự, giúp Chính phủ Mỹ thoát khỏi cảnh đóng cửa vì thiếu ngân sách hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN