Bước ngoặt trong cuộc chiến nhập cư tại Mỹ

Ngày 24/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng ủng hộ một thỏa thuận về việc bảo vệ quyền công dân của nhóm những người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ trong 10-12 năm tới, còn gọi là thế hệ "Dreamer".

Trả lời báo giới, Tổng thống Trump khẳng định đây là mục tiêu mà các bên sẽ sớm đạt được. Dù không cung cấp chi tiết về thỏa thuận trên, phát biểu của người đứng đầu Nhà Trắng báo hiệu bước ngoặt trong cuộc đối đầu giữa 2 phe Dân chủ và Cộng hòa xung quanh vấn đề bảo vệ quyền lợi cho hơn 700.000 người nhập cư trẻ tuổi tại Mỹ, tránh cho việc nhóm đối tượng này đối mặt với nguy cơ trục xuất khỏi Mỹ sau khi chương trình Hành động Trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) hết hạn vào tháng 3 tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn một dự luật tại Washington, DC ngày 10/1. Ảnh: UPI/YONHAP/TTXVN

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đưa ra chỉ vài giờ sau khi Nhà Trắng thông báo sẽ công bố một "khung lập pháp" về cải cách nhập cư vào ngày 29/1 tới. Đây là kết quả của "hàng chục" cuộc họp giữa lãnh đạo và nghị sĩ 2 bên và nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết bản kế hoạch trên sẽ giải quyết "4 trụ cột chính" của cải cách nhập cư, bao gồm an ninh biên giới, giới hạn các chương trình đoàn tụ gia đình hay còn gọi là "nhập cư dây chuyền", xóa bỏ chương trình quay xổ số thẻ xanh và tìm kiếm giải pháp dài hạn cho DACA. Bà Sanders nhấn mạnh đã đến lúc phe Dân chủ và Cộng hòa hợp tác cùng nhau để giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Trước đó, hôm 20/1, Chính phủ Mỹ bị đóng cửa do các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội không thể nhất trí về một dự luật chi tiêu tạm thời do chưa tìm được tiếng nói chung cho một dự luật cuối cùng liên quan đến số phận của DACA. Ngày 22/1, Tổng thống Trump đã ký ban hành luật chi tiêu tạm thời, chấm dứt 3 ngày chính phủ ngừng hoạt động.

Kể từ khi ra đời vào năm 2012, DACA đã bảo vệ quyền lợi cho khoảng 700.000 người nhập cư trẻ tuổi được ở lại Mỹ làm việc một cách hợp pháp. Tuy nhiên, chương trình này đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Trump lên cầm quyền với chính sách mạnh tay với người nhập cư trái phép và tăng cường an ninh biên giới nhằm mang lại thêm việc làm cho người dân bản địa. Rất nhiều bang, tổ chức và cá nhân đã nộp đơn kiện nhằm bảo vệ những người thuộc diện bảo hộ của DACA sau quyết định của Tổng thống Trump.

TTXVN/Báo Tin tức
78% dân Mỹ muốn ông Trump điều trần về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử
78% dân Mỹ muốn ông Trump điều trần về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử

Gần 80% người Mỹ tham gia cuộc khảo sát của kênh CNN đều cho rằng Tổng thống Donald Trump cần điều trần nếu được yêu cầu hợp tác trong cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN