Quốc hội Mỹ "bật đèn xanh" xuất khẩu dầu mỏ

Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ vốn tồn tại suốt 40 năm qua tại nước này.

Cơ sở lọc dầu Wilmington ở Los Angeles, California.

Quyết định này được nhìn nhận là sự thay đổi lịch sử về chính sách năng lượng của Mỹ và được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm sâu xuống dưới 35USD/thùng, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu nằm trong gói dự luật chi tiêu và giảm thuế trị giá 1.800 tỷ USD, vừa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn sáng 19/12 (theo giờ Việt Nam) với 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống. Thượng viện Mỹ đã cho phép xuất khẩu dầu thô, đồng thời tiếp tục gia hạn quyết định giảm thuế thêm 5 năm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng xanh nhằm thúc đẩy khai thác năng lượng tái tạo. Động thái này đánh dấu thay đổi trong chính sách năng lượng của các nghị sĩ Cộng hòa và là một phần trong thỏa thuận "hai bên cùng có lợi" mà các nghị sĩ của hai đảng đã thảo luận trong hai tuần qua.

Trước đó, dự luật ngân sách này đã được Hạ viện thông qua và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngay lập tức ký ban hành sau khi có kết quả tại Thượng viện.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Martin Heinrich, một trong số các nhà lập pháp thúc đẩy dự luật miễn thuế đối với năng lượng xanh, đánh giá đây là thành công lớn của Chính quyền Tổng thống Obama trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh nhiều nghị sĩ Cộng hòa phản đối chính sách này.

Luật hạn chế xuất khẩu dầy được Quốc hội Mỹ ban hành vào năm 1975 nhằm mục đích kiểm soát giá dầu, sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973-1974. Luật này vẫn được duy trì cho tới thời điểm hiện tại trong bối cảnh "vàng đen" liên tục sụt giảm từ mức hơn 100USD/thùng hồi tháng 6 năm ngoái xuống còn dưới 35 USD/thùng.

Quyết định trên đã nhận được những phản ứng trái chiếu. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sẽ giúp Mỹ đảm bảo an ninh dầu mỏ, tạo nguồn cung mới cho các đối tác và đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á, giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga.
 
Ngoài ra, nhiều công ty cũng được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng này, trong đó phải kể đến những "đại gia" như Exxon Mobil Corp,ConocoPhillips và Chevron. Trong khi đó, những ý kiến phản đối cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng đến môi trường và nguy cơ gia tăng các vụ tràn dầu.

TTXVN/Tin Tức
Dầu sẽ có giá bèo 20 USD/thùng?
Dầu sẽ có giá bèo 20 USD/thùng?

Trong khi nguồn cung tăng mạnh, mức cầu ì ạch, dầu lại chịu áp lực giảm giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Tình hình càng trở nên bi quan khi ngân hàng đầu tư Goldman Sachs “bồi” thêm một tin xấu với dự báo giá dầu có thể xuống mức “bèo” là 20 USD/thùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN