Trong thông báo cùng ngày, đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S), thông báo kế hoạch ngân sách mới sẽ chấm dứt chính sách "thắt lưng buộc bụng" trong những năm gần đây và thúc đẩy đầu tư.
Cho đến nay, các chỉ tiêu ngân sách của Italy vẫn bị cả EU và IMF cảnh báo. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde ngày 11/10 cho rằng Italy phải tuân thủ kỷ luật ngân sách của EU trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại rằng kế hoạch chi tiêu 2019 của chính phủ nước này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề tài chính của Rome.
Trong khi đó, Ủy viên kinh tế của EU, ông Pierre Moscovici cũng bày tỏ quan ngại về các kế hoạch chi tiêu của Italy mà ông cho rằng đang tách rời khỏi những mục tiêu tài khóa đã được nhất trí của EU. Quan chức này nhấn mạnh EU có lợi ích trong việc duy trì Italy vững mạnh và Italy cũng có lợi ích trong việc bảo đảm là một quốc gia thành viên tôn trọng quy định chung.
Mặc dù vậy, bà Lagarde bày tỏ hy vọng vấn đề ngân sách của Italy có thể tìm được giải pháp sau khi chính quyền nước này đệ trình kế hoạch ngân sách của mình lên EU, từ đó hai bên sẽ có cơ sở để đối thoại tìm ra tiếng nói chung.
Dự thảo ngân sách 2019 do Chính phủ Italy đưa ra dựa trên mức tăng trưởng kinh tế 1,5%, trong khi Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Italy (UPB) đưa ra mức tăng trưởng dự báo từ 1,1-1,3%. IMF thậm chí ước tính mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Rome còn thấp hơn, ở mức 1%. Tăng trưởng thấp hơn mức dự báo sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngân sách cho chính phủ và làm trầm trọng thêm thâm hụt quốc gia. Đây đang là quan ngại của EU. Bên cạnh đó, việc Italy dự định tăng thâm hụt ngân sách năm tới lên 2,4% để dành nhiều hơn cho chi tiêu xã hội cũng khiến EU bận tâm.
EU cho rằng Chính phủ Italy cần sớm cắt giảm thâm hụt ngân sách để bắt tay xử lý khoản nợ công khổng lồ hiện vượt mức 130% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.