Phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở thành phố Sejong, ông Lee Hae-chan nhấn mạnh việc thông qua thỏa thuận liên Triều không phải là tiến trình chính trị mà là một tiến trình pháp lý. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ đệ trình lên Quốc hội đề xuất thông qua thỏa thuận cùng với một ngân sách cần thiết để thực hiện thỏa thuận này. Ông nhấn mạnh việc thông qua Tuyên bố Panmunjom sẽ giúp cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3 vào tuần tới sẽ diễn ra suôn sẻ.
Trong Tuyên bố Panmunjom, hai miền Triều Tiên đã nhất trí hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” Bán đảo Triều Tiên, ngừng các hành động thù địch đối với nhau và thúc đẩy giao lưu liên Triều. Chỉnh phủ của Tổng thống Moon Jae-in và đảng Dân chủ cầm quyền muốn Quốc hội thông qua Tuyên bố Panmunjom để đảm bảo việc các chính quyền trong tương lai thực thi thỏa thuận này. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến đệ trình lên Quốc hội đề xuất thông qua này sau cuộc họp nội các ngày 11/9.
Tuy nhiên, đảng đối lập chính Tự do Hàn Quốc và đảng Bareunmirae lại không ủng hộ động thái này, cho rằng việc thông qua nên đợi sau khi có thêm tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, theo kết quả thăm dò của hãng Realmeter, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong bối cảnh các mối quan ngại về kinh tế gia tăng.
Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã giảm 1,7% so với tuần trước nữa xuống còn 53,5%. Đây là mức ủng hộ thấp nhất kể từ khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền vào tháng 5/2017, đồng thời đánh dấu tuần thứ 5 giảm liên tiếp.
Kết quả này được đưa ra trong bối cảnh người dân đang ngày càng quan ngại về điều kiện việc làm xấu đi và giá bất động sản tăng lên. Trong tháng 7, số lượng việc làm mới chỉ tăng thêm 5.000 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với con số 100.000 việc làm mới vào tháng 6.